Hàng không Việt Nam phục hồi nhanh hơn khu vực
Công ty chứng khoán Vndirect đánh giá trong khu vực Đông Nam Á, lưu lượng nội địa tại Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đều đã phục hồi với mức độ khác nhau từ mức thấp nhất vào tháng 4/2020.
Trong ba thị trường kể trên, Việt Nam hiện đang là thị trường tiềm năng nhất, với TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục đạt 90% lưu lượng nội địa so với trước dịch trong tháng 10.
Malayisa hiện đang có mức tăng trưởng thấp nhất, khi Malaysia Airport Holdings’ (MABK MK) trong tháng 9 chỉ đạt lưu lượng thấp hơn 61% và lưu lượng tháng 10 có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng bởi việc hạn chế di chuyển tại một số khu vực trọng yếu.
Mức hồi phục của Thái Lan đứng giữa, với Sân bay Thái Lan (AOT TB) ghi nhận mức giảm mạnh 47% về tổng lượng hành khách nội địa trong tháng 8. Trong ba quốc gia, Việt Nam đã duy trì mức độ quan tâm cao nhất về hoạt động bay trên Google từ khi dịch bùng phát.
Vndirect cho rằng lượng hành khách thông quan tại Việt Nam đã chạm đáy trong quý 2/2020 và sẽ bắt đầu phục hồi từ quý 4/2020 nhờ lưu lượng nội địa phục hồi mạnh mẽ.
Trong bối cảnh bất ổn gia tăng trên toàn cầu do đại dịch Covid-19, Vndirect kỳ vọng các đường bay nội địa sẽ hồi phục nhanh hơn đường bay quốc tế do việc đóng cửa biên giới tại Việt Nam sẽ được kéo dài tới cuối năm 2020. Trong kịch bản cơ sở của Vndirect, lượng hành khách nội địa theo quý sẽ tiến dần về mức trước dịch trong quý 4/2020, trong khi lượng hành khách quốc tế sẽ khó trở về mức năm 2019 trước năm 2024.
Trong ba thị trường hàng không ở khu vực Đông Nam Á, Vndirect cho rằng Việt Nam với ACV sẽ đạt được mức phục hồi ấn tượng cả về lưu lượng nội địa và quốc tế. Về lưu lượng nội địa, Thái Lan với AOT sẽ ở mức giữa còn Malaysia với MAHB sẽ tăng chậm nhất, tuy nhiên cả hai nước đều không thể trở lại mức năm 2019 trước năm 2023, chậm hơn 2 năm so với Việt Nam. Về lưu lượng khách quốc tế, Malaysia sẽ đứng giữa còn Thái Lan sẽ tăng trưởng chậm nhất, trong đó cả ba nước sẽ khó có khả năng trở lại mức năm 2019 trước năm 2024.
ACV, VJC bứt phá đầu tiên
Khi ngành hàng không vượt qua sóng gió, Vndirect nhận định ACV và VJC sẽ bứt phá đầu tiên.
Vndirect nhận định ACV phục hồi bởi nhiều yếu tố như ACV sở hữu sức khỏe tài chính tốt, với vị thế tiền mặt ròng khỏe mạnh, giúp cho doanh nghiệp vượt qua tình trạng khó khăn giai đoạn Covid. Triển vọng phục hồi mạnh mẽ về lượng khách nội địa/quốc tế sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trung hạn trong khi dự án đầu tư với lượng vốn lớn sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Vndirect kỳ vọng doanh thu ACV năm 2021 và 2022 sẽ cải thiện đáng kể đạt lần lượt 66% và 35% trong khi lợi nhuận kỳ vọng tăng mạnh 134% năm 2021 và 39% năm 2022.
Bên cạnh đó, Vndirect cho rằng ACV sẽ có tiềm năng tăng giá trong giai đoạn tới bởi: Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất với Thủ tướng chính phủ cho phép ACV quản lý và vận hành tài sản cơ sở hạ tầng hàng không (bao gồm đường bay) cho 22 sân bay từ năm 2021, đổi lại ACV có trách nhiệm bảo trì và sửa chữa các hạ tầng bay; ACV có kế hoạch niêm yết trên sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) sau khi việc quản lý các tài sản khu bay được thống nhất rõ ràng.
VJC của Vietjet cũng được Vndirect đánh giá cao. Theo Vndirect, giai đoạn khó nhất đã qua, kết quả kinh doanh của VJC đã có dấu hiệu cải thiện.
Trong năm 2020, tổng lượng hành khách sẽ giảm 40,4%, trong đó lượng hành khách quốc tế giảm mạnh 87,7% trong khi lượng hành khách nội địa giảm 18,1%. Do đó, Vndirect dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng từ hoạt động cốt lõi sẽ giảm lần lượt 57,9% và 2,614%.
Tuy nhiên, Vndirect kỳ vọng hoạt động S&LB, lợi nhuận tài chính bất thường và lợi nhuận khác sẽ hỗ trợ lợi nhuận ròng năm 2020 đạt 96 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2022, Vndirect cũng kỳ vọng lượng khách quốc tế sẽ tăng mạnh 365% và 75%, tương đương 57,3% và 100,1% mức của năm 2019. Và lợi nhuận ròng giai đoạn 2021-2022 từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng mạnh lên 182 tỷ đồng/879 tỷ đồng, hoạt động S&LB sẽ giúp thúc đẩy lợi nhuận ròng đạt 3.169 tỷ đồng và 4.652 tỷ đồng trong năm 2021 và 2022.