Thời gian qua, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế. Nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm chưa đầy đủ. Ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua đường thực phẩm diễn biến phức tạp; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm còn hạn chế...
Hình minh họa
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư; chủ động khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung.
Cụ thể, thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm; vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối và người tiêu dùng thực phẩm tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật...
Các đơn vị cần xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; đưa các tiêu chí về bảo đảm an toàn thực phẩm vào chương trình hoạt động, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, từng giai đoạn của địa phương.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn quản lý, theo lĩnh vực phụ trách; thực hiện phân cấp, ủy quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân...
Song song với đó, toàn thành phố đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn...
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu tăng cường đầu tư nguồn lực, bảo đảm đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, nhất là sản phẩm địa phương, sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ...
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm; tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội.