Trong Quý I/2025 (tính từ ngày 15/12/2024 đến 14/3/2025), Hà Nội xảy ra 351 vụ cháy, làm 4 người chết và 4 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 12.2 tỷ đồng.
So với cùng kỳ quý I/2024, đã tăng 53 vụ, giảm 2 người chết, tăng 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng khoảng 7,9 tỷ đồng. Số vụ cháy ở nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao 173/351 vụ, địa bàn xảy ra cháy tập trung chủ yếu ở các quận nội thành 186/35 vụ; nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, vẫn chiếm tỷ lệ cao 251/351 vụ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC đã kịp thời điều động 2.163 lượt phương tiện cùng 12.648 lượt cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tổ chức xử lý các vụ việc, trong đó đã kịp thời cứu, hướng dẫn thoát nạn được 86 người mắc kẹt trong đám cháy.
Tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã đánh giá cao, lực lượng tại chỗ (người dân, Công an cấp xã, dân phòng, PCCC cơ sở…) Thủ đô đã chủ động tham gia triển khai tổ chức chữa cháy ban đầu các vụ cháy, kịp thời phát hiện và xử lý ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, không gây thiệt hại về người và tài sản, hiệu quả phương châm 4 tại chỗ đã được phát huy.
Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Hà Nội cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đảm bảo hiệu quả, mục đích, yêu cầu, tiến độ đề ra, trọng tâm là Đầu tư hệ thống cấp nước chữa cháy tại các khu dân cư không đảm bảo điều kiện về giao thông, nguồn nước chữa cháy.
Trong quý I/2025, Hà Nội đã tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình (nhà từ 2 tầng trở lên, có ban công, lô gia, chuồng cọp) mở lối thoát nạn thứ 2, đến nay đã có 687.000 hộ gia đình (đạt 98,7%) mở lối thoát nạn thứ 2. Đã thành lập 8.975 Tổ liên gia an toàn PCCC, 23.788 Điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu trên 50m, xe chữa cháy không tiếp cận được trên toàn địa bàn Thành phố; 100% Tổ liên gia đã được hướng dẫn tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn từ năm 2024.
Qua rà soát, Hà Nội hiện có 69.712 cơ sở phải thực hiện các giải pháp tăng cường về PCCC theo Chỉ thị 19; gồm 412 nhà nhiều căn hộ, 39.993 nhà trọ, 29.307 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Các đơn vị đã xử phạt 4.011 trường hợp với số tiền trên 14,7 tỷ đồng; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động 815 trường hợp. Đến thời điểm hiện tại, đã có 24.579 cơ sở đã hoàn thành khắc phục các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC theo tài liệu kỹ thuật hướng dẫn.
Thiếu tướng Dương Đức Hải cho biết, từ ngày 15/4/2025 đến 30/6/2025, Công an Hà Nội sẽ ra quân thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc 100% chủ cơ sở, chủ hộ gia đình.
Theo đó, các loại hình nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện phải tổ chức khắc phục các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC. Các loại hình cơ sở có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người (có người cư trú, lưu trú qua đêm và có đồng thời các tồn tại, vi phạm về thoát nạn, ngăn cháy, trang bị hệ thống báo cháy) chưa thực hiện phải tổ chức hoàn thành việc khắc phục theo chỉ đạo.