MSB phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu trong quý 2/2022
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MBS) công bố kết quả phát hành trái phiếu. Theo đó MSB đã phát hành thành công 1.000 trái phiếu tổng trị giá 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, ngày đáo hạn vào 21/6/2025. Mã trái phiếu MSBL2225003.
Đây là lần thứ 2 trong quý 2/2022 này MSB phát hành trái phiếu. Trước đó ngày 17/5/2022 MSB đã phát hành 1.000 trái phiếu MSBL2225002 với tổng trị giá 1.000 tỷ đồng. Số trái phiếu này cũng có kỳ hạn 3 năm đáo hạn ngày 17/5/2025.
Việc MSB liên tục phát hành trái phiếu trong giai đoạn từ khoá “trái phiếu” đang là tâm điểm của thị trường cũng khiến các nhà đầu tư quan tâm. Sau vụ việc Tân Hoàng Minh bị huỷ kết quả phát hành 9 đợt trái phiếu với tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng, thì TRÁI PHIẾU đang trở thành tâm điểm, nhiều đợt phát hành “khủng” của các doanh nghiệp được “soi” đến. Cùng với đó, việc VnIndex giảm sâu sau các tác động đến thị trường chứng khoán đã khiến các cơ quan chức năng vào cuộc, siết chặt cho vay tín dụng bất động sản, đặc biệt các công ty chứng khoán, các ngân hàng và các đợt phát hành trái phiếu đang lọt vào tầm ngắm nhằm thanh lọc thị trường, trấn an các nhà đầu tư.
MSB tăng vốn, vẫn tiếp tục gia tăng cho vay đầu tư tài chính, chứng khoán
MSB là một trong số những ngân hàng tiến hành tăng vốn mạnh năm 2021. Báo cáo cho thấy năm 2021 MSB đã tăng vốn điều lệ thêm 30%, từ 11.750 tỷ đồng lên 15.270 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm 2021 đạt hơn 203.660 tỷ đồng (tăng 27.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm), trong đó riêng cho vay khách hàng tăng gần 11.500 tỷ đồng, lên mức gần 99.900 tỷ đồng (đã trích dự phòng rủi ro gần 1.700 tỷ đồng), trong số đó các khoản nợ có khả năng mất vốn lên đến khoảng 954 tỷ đồng. Các khoản cho vay cá nhân tăng khoảng 20% so với đầu năm, lên tổng hơn 26.550 tỷ đồng, chiếm khoảng 26% tổng giá trị cho vay. Đặc biệt các khoản cho vay liên quan đến lĩnh vực xây dựng và bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, với tổng giá trị khoảng 26.300 tỷ đồng, tăng đến 64% so với cùng kỳ.
Còn BCTC quý 1/2022 cho thấy các khoản cho vay khách hàng tiếp tục tăng lên đến hơn 108.800 tỷ đồng, trong đó cho vay khác hàng cá nhân đạt hơn 110.000 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn cũng đã tăng từ khoảng 954 tỷ đồng lên trên 1.100 tỷ đồng. Giá trị cho vay bất động sản và xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng cao. Đặc biệt, dư nợ cho vay đối với hoạt động tài chính và kinh doanh chứng khoán đã bất ngờ tăng gần gấp đôi thời điểm đầu năm 2022, từ 2.800 tỷ đồng lên trên 5.400 tỷ đồng.
Tổng nợ phát trả cũng tăng khoảng 21.600 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 181.600 tỷ đồng, trong đó phát hành các giấy tờ có giá đã hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị trái phiếu gần 8.400 tỷ đồng.
Đến giá cổ phiếu MSB giảm về vùng đáy 1 năm
Những tháng cuối của năm 2021 và mấy tháng đầu năm 2022 thị trường chứng khoán xuất hiện những “hiện tượng lạ” khi thanh khoản đột ngột tăng cao, nhóm cổ phiếu thép, rồi ngân hàng, rồi chứng khoán và bất động sản bất ngờ tăng mạnh. Cùng với đó, số lượng các nhà đầu tư F0 tham gia thị trường, mở mới tài khoản tăng đột biến khiến lượng “cầu” tăng cao, đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh. Cũng thời điểm này VnIndex tăng mạnh, vượt 1.500 điểm, các sở giao dịch chứng khoán còn xuất hiện hiện tượng nghẽn lệnh liên tục. Nhìn kỹ lại, đây cũng chính là thời điểm các công ty chứng khoán liên tục tăng vốn, gia tăng dòng tiền cho vay margin để thu hút các nhà đầu tư, các ngân hàng gia tăng vốn vay, gia tăng vốn đầu tư tài chính…
Tuy nhiên sau khi một số “tin xấu” xuất hiện như vụ Tân Hoàng Minh, vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, các quyết định phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, các đợt phát hành trái phiếu “khủng” được “soi” ra, thì thị trường như quả bóng bị thổi căng, đã có những lúc đứng trước nguy cơ bị chèn vỡ. Giá các nhóm cổ phiếu cũng theo những tin đó mà giảm sâu.
Cổ phiếu MSB đã từ vùng giá trên 28.000 đồng/cổ phiếu giai đoạn cuối năm 2021 xuống còn 15.000 đồng/cổ phiếu những ngày cuối tháng 6/2022.
Các nhà đầu tư đang rơi vào trạng thái lo lắng khi thị trường chung giảm điểm, tài khoản chứng khoán cá nhân đang bị ăn mòn, trong khi đó các ngân hàng lại vẫn gia tăng mạnh về lợi nhuận, đi ngược với thị trường và những khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong 2 năm covid vừa qua. Báo cáo tài chính năm 2021 ghi nhận MSB lãi sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2020. Còn riêng quý 1/2022 cũng báo lãi tăng trưởng 28% so với cùng kỳ, lên 1.149 tỷ đồng.
Ngân hàng đang gia tăng các khoản đầu tư, cho vay về tài chính, chứng khoán, các công ty chứng khoán gia tăng cho vay margin là "cái bẫy" để các nhà đầu tư nhảy vào "bắt đáy" nhằm gỡ gạc những gì đã mất. Tuy vậy được/mất của các nhà đầu tư chưa thấy, nhưng chính ngân hàng, các công ty chứng khoán hưởng lợi lớn, liên tục báo lãi tăng trưởng dù tình hình chung còn nhiều khó khăn sau những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 2 năm liên tiếp.