Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có nguồn tài nguyên rừng đa dạng, phong phú, nhiều hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc trưng như: Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng núi cao, hệ sinh thái rừng bán thường xanh rụng lá và nửa rụng lá... Hệ sinh thái rừng ngập mặn là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gene đa dạng sinh học rất phong phú, quý hiếm, đặc hữu.
Đây là tiềm năng to lớn để bảo tồn, phát triển nhiều loại dược liệu quý hiếm, cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất, chế biến trong nước.
Có thể nói, Việt Nam hiện có 5.117 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển, 75 loài khoáng vật và gần 410 loài động vật làm thuốc, trong đó có nhiều loại dược liệu quý được thế giới công nhận như cây hồi, cây quế, atiso, sâm Ngọc Linh...
Với sự đa dạng về khí hậu, thổ nhưỡng, ngay từ cuối thập kỷ 80, ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh.
Mục tiêu của Chương trình này là xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ bốn theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong top 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý.
Cũng theo ông Hoàng, ước tính tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 khoảng 230 tỷ USD và dự kiến có thể đạt 430 tỉ USD vào năm 2028.