Công nghệ đang tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Sự kết hợp giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và các thiết bị hiện đại như máy chiếu, bảng điện tử đã mang lại những trải nghiệm học tập mới cho học sinh và sinh viên.
Trong thời đại 4.0, công nghệ đem lại nhiều lợi ích cho cả giáo viên và học sinh. Sinh viên có thể sử dụng công nghệ để nâng cao kiến thức và mở rộng phạm vi học tập đã được giảng dạy. Ngoài ra, việc số hóa nội dung học tập mở ra nhiều nền tảng và khóa học trực tuyến, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục một cách linh hoạt và phù hợp với nhu cầu cá nhân, không phân biệt địa vị xã hội hay độ tuổi.
Đối với giáo viên, chuyển đổi số giúp cải thiện chất lượng giảng dạy và tạo ra môi trường học tập tương tác. Công cụ như bảng trắng thông minh, ứng dụng di động tạo điều kiện cho sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Công nghệ và sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo có thể tự động cập nhật kiến thức giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng học, giảng dạy tại nhiều cơ sở giáo dục.
Ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học và chuyên nghiệp”
Chuyển đổi số trong ngành giáo dục đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Nhiều trường học gặp vấn đề về thiếu hạ tầng kỹ thuật, tạo ra khó khăn trong việc đào tạo năng lực số hóa. Một số giáo viên cũng phản đối thay đổi cách dạy truyền thống vì gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ hiện đại.
Ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hạ tầng internet và trang bị công nghệ thông tin vẫn còn nhiều khó khăn. Dạy học trực tuyến và sử dụng phần mềm thông minh là một thách thức tại những địa bàn này do tình trạng kinh tế yếu và địa hình khó khăn.
Các kho tài liệu số cũng gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng. Nhiều thông tin chưa được xác thực và không đồng nhất, dẫn đến lãng phí thời gian, nguồn lực. Ngoài ra, quy định pháp lý trong lĩnh vực giáo dục còn chưa hoàn thiện, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền sở hữu trí tuệ và an ninh thông tin.
Với những hạn chế, khó khăn và thách thức trong quá trình chuyển đổi số giáo dục, Việt Nam cần đưa ra những giải pháp, chiến lược mang tính dài hạn, có lộ trình cụ thể như:
Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục: cần thực hiện nâng cao nhận thức, phổ cập tư tưởng cho từng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý của nhà trường để nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ xu hướng chuyển đổi số trong ngàng giáo dục
Sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong giáo dục: cần chú trọng về triển khai hệ thống để chia sẻ dữ liệu đồng bộ trong giáo dục, từng bước chuyển đổi những tài liệu giấy qua văn bản điện tử để giúp thuận tiện hơn trong công tác quản lý. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy - học, tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện.
Thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên giảng viên, học sinh sinh viên, phát triển các khóa học trực tuyến mở; triển khai hệ thống học tập trực tuyến dùng chung toàn ngành phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ dạy học cho các vùng khó khăn.
Xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ: hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ phải được đổi mới, đặc biệt là khu vực có kết nối kém giúp thu hẹp được khoảng cách vùng miền. Với giải pháp này, có thể ưu tiên sử dụng hình thức thuê dịch vụ hay huy động nguồn lực xã hội. Tăng cường kết hợp công nghệ như Big data, Al, Blockchain… với cơ sở dữ liệu số chuyên ngành nhằm xây dựng các hệ thống thu thập thông tin đưa ra các dự báo, dự đoán và tạo ra các ứng dụng, dịch vụ phù hợp đến từng đối tượng người học.
Hoàn thiện về hệ thống pháp lý và ứng dụng các phần mềm quản lý: hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp lý đóng vai trò quan trọng trong quản lý giáo dục cũng như đảm bảo quyền lợi cho người học. Theo đó, phải thống nhất các quy định về: khai thác và chia sẻ dữ liệu; hình thức trong giảng dạy; quản lý hiệu quả khóa học trực tuyến; điều kiện mở trường học. Chuyển đổi số trong giáo dục thực hiện bằng cách ứng dụng phần mềm quản lý chính là giải pháp được nhiều cơ sở áp dụng hiện nay. Các phần mềm được tích hợp các tính năng vượt trội sẽ mang đến giải pháp quản lý trường học hiệu quả, giúp các trường có thể tăng cường nghiệp vụ và quản lý hồ sơ sinh viên cùng hồ sơ giảng dạy một cách nhanh chóng chỉ với thao tác bấm (click) chuột đơn giản. Đồng thời, phát triển các khóa học trực tuyến góp phần phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên hỗ trợ dạy học tại những nơi khó khăn.
Hiểu đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng thực trạng, xác định và dự báo đúng các thách thức về vấn đề đặt ra để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa quan trọng đối với các trường đại học trong giai đoạn hiện nay. Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục đại học cần được xem là giải pháp lâu dài mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo. Trong chuyển đổi số thì quan trọng nhất không phải công nghệ, cũng không phải là đầu tư kinh phí mà chính là quyết tâm chính trị cao nhất của người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ viên chức giảng viên trong các nhà trường.