Thị trường nhạy cảm với tin đồn
Chỉ số VN-Index đã giảm thêm 5,4% trong quý 3/2022, nâng mức giảm so với đầu năm lên 24,4%, đánh dấu chuỗi giảm điểm tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý là chỉ riêng trong tháng 9, chỉ số này đã giảm đến 11,6%, chỉ xếp sau mức giảm 22,7% vào năm 2002 và 18,1% năm 2008. Đây cũng là xu hướng chung của thị trường toàn cầu, trước tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt từ các ngân hàng trung ương khắp thế giới. Bên cạnh các nguyên nhân như lãi suất tăng, áp lực lạm phát… không ít lần thị trường còn bị rớt do tin đồn.
Gần một tháng trước, tin đồn về việc bắt một chủ doanh nghiệp bất động sản lớn được nhiều người lan truyền một cách ẩn ý, không rõ thực hư.
Tuy nhiên đến phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần trước, cái tên Vạn Thịnh Phát xuất hiện dày đặc hơn trên các hội nhóm, sau khi ông Nguyễn Tiến Thành - chủ tịch Chứng khoán Tân Việt - đột ngột qua đời.
Cùng ngày, thị trường chìm trong chảo lửa, chỉ số VN-Index giảm một mạch gần 39 điểm, nâng tổng mức giảm trong một tuần lên tới 8,5%, khiến chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường có mức giảm sâu nhất trong tuần.
Như “châm dầu vào lửa”, trong lúc thị trường đang sục sôi, thông tin Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã khiến nhiều người dân góp vốn đầu tư “đứng ngồi không yên”.
Nhiều tin đồn thổi về tình hình kinh doanh sắp tới của ngân hàng SCB, doanh nghiệp chứng khoán đầy rẫy khắp các trang mạng xã hội. Nhiều tài khoản chia sẻ và loan truyền, kêu gọi mọi người rút hết tiền đang gửi hoặc thậm chí “bán tháo” các sản phẩm chứng khoán liên quan đến những tin đồn trên.
Sự việc này dẫn nhiều hệ lụy không mong muốn cho các doanh nghiệp chứng khoán, cho hoạt động đầu tư tiền tệ của ngân hàng. Không chỉ Ngân hàng SCB bị ảnh hưởng, mà lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cũng phải lên tiếng rằng đây là hai ngân hàng khác nhau, và Sacombank có mã chứng khoán là STB nên người dân tránh hiểu lầm.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được vận hành và hoạt động bình thường", Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhanh chóng trấn an.
Dù trên thực tế không phải tin đồn tiêu cực nào cũng thành sự thật, nhưng đều có điểm chung là ảnh hưởng đến nhiều người. Đặc biệt, là gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng.
Hồi tháng 7, thị trường chứng khoán từng bị một phen chao đảo, cổ phiếu "họ Vin" bị bán mạnh trước tin đồn. Sau đó trung tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an - cho biết cơ quan chức năng đã làm việc với người đưa tin thất thiệt. Đồng thời nhận định tin này đã gây ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tác động xấu đến thị trường chứng khoán.
Đầu năm nay Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng phải đính chính trước tin đồn do một tài khoản tên Mèo Lười loan trong nhóm chat: "Tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà đã bị bắt 6h tối nay. Dự là mai toang đấy các bác ạ. Chồng em ở bên VPS vừa bảo vậy".
"HoSE đề nghị các thành viên thị trường phối hợp, hỗ trợ khuyến cáo các nhà đầu tư bình tĩnh, sàng lọc thông tin trước khi tiếp nhận và phát tán trên các trang mạng xã hội", sở cho hay.
Nhà đầu tư rất cần trang bị “cái đầu lạnh”
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với tin đồn, dễ bị điều chỉnh mạnh, tạo ra cú sốc lớn ngắn hạn, kể cả thị trường phát triển cũng không tránh khỏi.
Chẳng hạn chứng khoán Mỹ từng bị chao đảo, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã ngưng giao dịch một lúc, sau khi tin tặc xâm nhập tài khoản của Hãng thông tấn AP rồi loan tin thất thiệt về hai vụ nổ ở Nhà Trắng khiến tổng thống Barack Obama bị thương.
Suy cho cùng, khi tin đồn được tung lên gây hoang mang dư luận, đặc biệt cộng thêm tốc độ phát triển chóng mặt của mạng xã hội, nhà đầu tư nên suy xét kỹ các tình huống để bảo vệ dòng tiền của mình trước khi nóng vội hành động theo đám đông. Chứng thực thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống thay vì tin tưởng vào các tài khoản ảo trên các diễn đàn hội nhóm. Kể cả khi tin đồn trở thành sự thật, nếu chúng ta bình tĩnh thì thiệt hại có thể không quá lớn.
"Nếu mãi giao dịch theo tin đồn thì sớm muộn gì cũng bị loại ra khỏi thị trường chứng khoán", TS Thịnh cho hay.
Lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết thì cho rằng ứng xử với tin đồn cần chuyên nghiệp hơn, kể cả cơ quan quản lý. Không nên có tâm lý "tin đồn tào lao, kệ nó". Các cơ quan, đặc biệt mảng chứng khoán nên phản ứng nhanh, cung cấp thông tin kịp thời thì tin đồn sẽ bị giảm thiểu tác động.
Theo giám đốc một công ty chứng khoán lớn, để tồn tại lâu dài trên thị trường, ngoài kiến thức và kinh nghiệm, nhà đầu tư cũng cần có lập trường riêng và tâm lý vững, tránh bị "đội lái" dẫn dắt. Hơn hết, cổ phiếu tốt sẽ đến từ doanh nghiệp có sức khỏe tài chính và tiềm lực phát triển tốt, chứ không phải dựa vào tin đồn.