Sáng ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương - Bộ Công thương tổ chức diễn đàn "Đấy mạnh hiệu quả kết nối cung câu".
Diễn đàn là cơ hội để các diễn giả bàn sâu việc nâng cao hiệu quả chất lượng công tác kết nối cung cầu, hợp tác giữa doanh nghiệp với địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
Hiện nay Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả chất lượng công tác kết nối cung cầu, hợp tác giữa doanh nghiệp với địa phương để đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.
Những khó khăn trong việc nâng hiệu quả việc kết nối cung cầu
Việc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như việc đưa sản phẩm vào các nhà phân phối lớn như các siêu thị còn gặp phải trở ngại nhất định, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Một số doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tìm hiểu, kết nối với các nhà sản xuất, phân phối tham gia hội nghị; chưa chủ động tìm hiểu, nghiên cứu đối tác, thị trường của địa phương tổ chức hội nghị để hợp tác hoặc đặt vấn đề hợp tác.
Đặc biệt, tình trạng thiếu lao động vẫn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là lao động qua đào tạo. Công tác đào tạo nghề cho lao động chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, gặp khó khăn trong việc thực hiện tiến độ đầu tư các dự án mở rộng sản xuất.
Hệ thống phân phối hàng hoá, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu chưa được quan tâm phát triển đồng bộ; các chợ đa số là chợ tạm, chợ đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây mới, số chợ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý còn thấp, nhất là các chợ ở nông thôn, miền núi, vùng cao. Thiếu các mô hình kinh doanh thương mại tiên tiến ở trung tâm tỉnh và các trung tâm huyện, thị xã.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, hàng kém chất lượng còn trà trộn trên thị trường. Công tác quản lý việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết chủ yếu thực hiện tại các siêu thị, còn các chợ tình trạng niêm yết giá nhưng bán không theo giá niêm yết vẫn còn phổ biến; việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại khu dân cư chỉ hướng vào mục đích bán hàng, chưa tạo được sức lan toả mạnh về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Người tiêu dùng ảnh hưởng rất nhiều từ quảng cáo qua nền tảng điện tử, điện tử xuyên biên giới gây nhiễu loạn để doanh nghiệp, người tiêu dùng truy cập dễ nhầm lẫn về chất lượng, thương hiệu sản phẩm làm mất niềm tin, nguy hịa đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Các giải pháp nâng cao chất lượng kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp với địa phương
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa và phát triển thị trường phát huy các thế mạnh của các tỉnh, tạo cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian đến cần tập trung thực hiện một số giải pháp, cụ thể:
Đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc xây dựng nhãn hiệu, bao bì, phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết hợp với xu thế phát triển của thương mại điện tử. Phát huy vai trò cầu nối, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp thương mại và người sản xuất; giới thiệu sản phẩm hàng hóa tham gia vào chuỗi cung cấp hàng hóa của các nhà phân phối, các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi của cả nước.
Phối hợp với các
Ông Đoàn Mạnh Trường, Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương
Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nghiên cứu thay đổi hình thức tổ chức kết nối cung cầu cho phù hợp, trong đó hội nghị kết nối cung cầu nên có nội dung tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu,...
Tăng cường công tác quản lý thị trường, có kế hoạch quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu, trường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá, trục lợi bất chính gây mất ổn định thị trường.
Mặt khác các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng phải tăng cường nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp. Tập trung sản xuất và kinh doanh đối với những sản phẩm, lĩnh vực mà doanh nghiệp có lợi thế. Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Ngoài ra các nhà phân phối phải liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất để tạo nguồn hàng ổn định và kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, tăng cường liên kết trong kinh doanh, đặc biệt là liên kết giữa các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để hỗ trợ, bổ sung nguồn lực.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, ổn định chất lượng sản phẩm, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, các siêu thị nhà phân phối để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường trong nước và quốc tế. Tìm hiểu khai thác thị trường, tùy theo năng lực khả năng đáp ứng tài chính để chọn kênh phân phối phù hợp.
Đối với các nhà phân phối cần quan tâm và ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm để giúp người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm theo đúng chỉ dẫn.
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước thực hiện đúng các quy định về chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nhà phân phối để cung cấp cho người tiêu dùng
Chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa…, để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.