Giá vàng SJC đắt hơn vàng thế giới 3,2 triệu đồng

(CL&CS) - Dù đã giảm nhiệt so với cuối tuần trước nhưng hiện tại giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 3,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC đắt đỏ

Tuần trước, bất chấp giá vàng thế giới giảm sâu, giá vàng SJC giảm nhẹ hơn khiến chênh lệch giữa hai mức giá vọt lên 4 triệu đồng/lượng. Đầu tuần này, trong khi giá vàng thế giới bật tăng mạnh, giá vàng SJC đi lên chậm chạp khiến chênh lệch này giảm từ 4 triệu đồng/lượng xuống 3,2 triệu đồng/lượng. Dù suy giảm, khoảng cách này vẫn còn rất lớn.

Cụ thể, sáng nay, giá vàng thế giới tăng mạnh, tăng 7,7 USD/ounce lên 1.896,9 USD/ounce, tiếp cận rất sát mốc 1.900 USD/ounce và vẫn đang trong xu hướng đi lên. Trong khi đó, giá vàng SJC chỉ tăng khoảng 50.000 đồng/lượng và rất sát mốc 56 triệu đồng/lượng chiều mua vào.

Tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng SJC tăng nhẹ lên 55,98 triệu đồng/lượng (Mua vào) - 56,48 triệu đồng/lượng (Bán ra). Vàng nhẫn SJC 99,99 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ giao dịch ở mức thấp hơn rất nhiều: 54,10 triệu đồng/lượng - 54,70 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji cũng điều chỉnh giá vàng tăng 50.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC được mua bán ở mức 55,95 triệu đồng/lượng - 56,40 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng điều chỉnh giá vàng đi lên. Giá vàng SJC giao dịch ở mức: 55,95 triệu đồng/lượng - 56,40 triệu đồng/lượng. Giá vàng PNJ trao đổi ở mức: 54,15 triệu đồng/lượng - 55,65 triệu đồng/lượng.

Tại công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC tìm lại mốc 56 triệu đồng/lượng chiều mua vào, niêm yết ở mức: 56,01 triệu đồng/lượng - 56,39 triệu đồng/lượng. Giá vàng rồng Thăng Long giao dịch ở mức: 53,98 triệu đồng/lượng - 54,68 triệu đồng/lượng.

Giá vàng cũng tìm lại mốc 56 triệu đồng/lượng chiều mua vào tại công ty Phú Quý. Giá vàng SJC giao dịch ở mức: 56 triệu đồng/lượng - 56,40 triệu đồng/lượng. Phú Quý và Bảo Tín Minh Châu có giá mua vào cao hơn các đơn vị khác.

Vàng thoát đà giảm

Sau khi xuống “đáy” hồi đầu tháng 11, kim loại quý nhanh chóng phục hồi. Xu hướng đi lên được giới chuyên môn đánh giá cao bất chấp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có kết quả như thế nào.

Cụ thể, trong báo cáo mới nhất được công bố, Goldman Sachs cho biết họ đang duy trì dự báo giá vàng năm 2021 vẫn là 2.300 USD/ounce khi nền kinh tế toàn cầu cân bằng giữa tin tức tích cực về vắc-xin COVID-19 và rủi ro kinh tế bị tàn phá thêm trong ngắn hạn. 

Mặc dù các nhà kinh tế của Goldman Sachs đang kỳ vọng chứng kiến ​​sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ và trên toàn thế giới, các nhà phân tích hàng hóa Jeffrey Currie và Mikhail Sprogis, tác giả của báo cáo vàng, cho rằng vẫn có một “trường hợp chiến lược mạnh mẽ đối với vàng”.

Các nhà phân tích cho biết, xu hướng tăng giá của vàng vẫn chưa kết thúc và sẽ tiếp tục vào năm tới khi kỳ vọng lạm phát tăng cao hơn, đồng đô la Mỹ suy yếu và nhu cầu bán lẻ tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, trong ngắn hạn vàng khó có thể tạo được “sóng lớn”.

Về điều gì sẽ khiến giá vàng tăng cao hơn trong năm tới? Các nhà phân tích cho hay, họ tiếp tục theo dõi lợi suất trái phiếu thực, bao gồm cả lạm phát. Theo đó, lợi suất thực tế kỳ hạn 5 năm giảm sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng.

Currie và Sprogis nói rằng họ đang rất chú ý đến trái phiếu kỳ hạn 5 năm vì điều này có tác động lớn nhất đến thị trường tiền tệ. Khi lạm phát gia tăng, người tiêu dùng có thể mong đợi sự giảm giá đáng kể của tiền tệ toàn cầu.

Goldman Sachs cũng nhận thấy nhu cầu vàng của thị trường mới nổi hồi sinh vào năm 2021.