Giá vàng SJC đắt hơn cả vàng thế giới và vàng “phi SJC”

(CL&CS) - Không chỉ tiếp tục đắt đỏ hơn giá vàng thế giới, giá vàng SJC còn cao hơn vàng “phi SJC” rất nhiều. Chênh lệch lên đến cả triệu đồng mỗi lượng.

Đắt hơn vàng “phi SJC”

Năm 2012, vàng SJC đã được chọn là thương hiệu vàng miếng của Nhà nước. Ông Lê Minh Hưng (khi đó giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cho biết vàng miếng SJC là thương hiệu có bề dày, uy tín được cả thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận.

Vì chiếm thị phần lớn trên thị trường nên việc tiếp tục sử dụng thương hiệu này vừa tiết kiệm chi phí khi không phải dập lại tên mới, đồng thời lại tránh được việc gây xáo trộn trên thị trường. 

Đó là lý do dù chất lượng có thể như nhau nhưng giá vàng SJC vẫn cao hơn giá vàng “phi SJC”.

Cụ thể, trong ngày 22/11, Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,77 triệu đồng/lượng (Mua vào) – 56,09 triệu đồng/lượng (Bán ra). Thế nhưng, giá vàng rồng Thăng Long chỉ được giao dịch ở mức: 53,81 triệu đồng/lượng – 54,46 triệu đồng/lượng.

Như vậy, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC đắt hơn giá vàng rồng Thăng Long 1,96 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,63 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Tại công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), điều tương tự cũng đang diễn ra. PNJ niêm yết giá vàng SJC ở mức: 55,70 triệu đồng/lượng - 56,15 triệu đồng/lượng. Nhưng giá vàng PNJ lại được mua bán ở mức: 53,95 triệu đồng/lượng – 54,45 triệu đồng/lượng. Rõ ràng giá vàng SJC đắt hơn giá vàng PNJ 1,75 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,7 triệu đồng/lượng bán ra.

Tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC được trao đổi ở mức: 55,72 triệu đồng/lượng - 56,05 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng Thần tài Phú Quý 99 giao dịch ở mức: 53,20 triệu đồng/lượng - 54,10 triệu đồng/lượng.

Có thể thấy, trên thị trường, giá vàng SJC đang đắt hơn giá vàng “phi SJC” khoảng 1,7 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch khá lớn.

Đắt hơn vàng thế giới

Không chỉ đắt hơn giá vàng “phi SJC”, thời gian này, giá vàng SJC thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới. Có thời điểm chênh lệch lên đến gần 4 triệu đồng/lượng. Còn hiện tại, giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng. Dù vậy, đây vẫn là khoảng cách khá lớn.

Cụ thể, trong buổi sáng 22/11, giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.871,6 USD/ounce, tăng 1,2 USD/ounce. Ở mức giá này, giá vàng SJC quy đổi đạt khoảng 52,49 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 3,66 triệu đồng/lượng.

Khoảng cách này khó có thể rút ngắn được trong ngắn hạn khi mà dư địa tăng giá của giá vàng thế giới tuần này là không cao. Trong các cuộc khảo sát do Kitco thực hiện, tỷ lệ người kỳ vọng vào đà tăng của giá vàng đã giảm sút.

Trong cuộc khảo sát Wall Street, chỉ có 47% số người tham gia kỳ vọng giá vàng tăng trong tuần này. 29% dự báo giá vàng suy giảm và 24% tin rằng giá vàng sẽ đi ngang. Trong cuộc khảo sát Main Street, các tỷ lệ này lần lượt là 42%, 39% và 19%.

Nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng khi tuần trước, giá vàng đã giảm 0,79%. Hansen, Chủ tịch Bộ phận Chiến lược hàng hóa cho rằng có nguy cơ giá vàng có thể tiếp tục đẩy xuống thấp hơn khi nhiều tin tức về vắc xin làm tăng sự lạc quan của nhà đầu tư.

Hansen nói thêm rằng vẫn còn quá nhiều bất ổn và kích thích trên thị trường khiến giá vàng giảm đáng kể. Nghĩa là giá vàng giảm trong xu hướng có thể bật tăng trở lại. Theo Hansen, “câu chuyện về vàng vẫn chưa biến mất”.

Vị chuyên gia này khẳng định ông lạc quan về vàng, nhưng chắc chắn không vội mua. Trước mắt, ông dự báo giá vàng sẽ giảm xuống dưới mốc 1.850 USD/ounce. Và việc kiểm tra đường trung bình động 200 ngày sẽ là cơ hội mua vào.