Giá vé máy bay tăng cao
Hàng năm cứ vào những dịp nghỉ lễ dài, mọi người đổ về các điểm du lịch rất nhiều, điển hình như vào dịp lễ 30/4 - 1/5 sắp tới việc tìm mua vé máy bay trở nên vô cùng khó khăn bởi giá vé không chỉ bị đẩy lên cao chót vót mà cũng khan hiếm vô cùng.
Trước đó, từ ngày 1/4, hãng hàng không Bamboo Airways đã quyết định dừng khai thác các đường bay từ Hà Nội và Tp.HCM tới một số điểm như Huế, Đồng Hới, Côn Đảo… khiến cho nhiều du khách muốn đặt tour phải tìm giải pháp khác, đặc biệt là với đường bay Hà Nội - Côn Đảo vốn được du khách rất quan tâm.
Không chỉ vậy, nhiều chặng bay như Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Đà Lạt, Hà Nội - Phú Quốc, giá vé máy bay trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, đều tăng cao hơn khoảng 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 120% - 160% so với giá ngày thường.
Đơn cử, khai thác đường bay Hà Nội - TP.HCM ngày 28/4 - 1/5, hãng hàng không Vietnam Airlines giá vé máy bay một chiều có giá dao động từ 2,5 triệu đồng - 3,2 triệu đồng/vé phổ thông; Giá vé máy bay hạng thương gia có giá từ 7,5 triệu đồng - 9 triệu đồng.
Tương tự, giá vé máy bay của hãng hàng không Vietjet có giá giao động từ 1,6 triệu - 5 triệu đồng/ tùy vào từng loại vé của hãng. Giá vé máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways có giá giao động từ khoảng 2,5 triệu - 3 triệu đồng/chiều. Đây là giá vé máy bay các hãng hàng không đã tính đầy đủ các loại thuế phí.
Nguyên nhân do đâu?
Lý giải cho nguyên nhân giá vé tăng cao "chóng mặt", các hãng hàng không cho biết, dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao, giai đoạn cao điểm như hè hay dịp lễ 30/4, nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên cao.
Một trong những nguyên nhân của việc tăng giá vé máy bay là do Thông tư 34/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, từ 1/3, đã quy định tăng trần giá vé máy bay nội địa. Tính từ 1/3, giá vé máy bay nội địa đã tăng khoảng 3,75%, điều này đã góp phần làm tăng chi phí du lịch của người dân.
Tuy nhiên, một nguyên nhân khác quan trọng là do tình hình cung tải tại thị trường hàng không nội địa đang gặp khó khăn, đặc biệt là sau khi nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) phải triệu hồi động cơ, làm ngành hàng không Việt Nam đối diện với thiếu hụt đội máy bay nghiêm trọng. Điều này khiến cho vé máy bay trong dịp cao điểm hè sắp tới trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn.
Đặc biệt, việc hai hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội máy bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, cắt nợ và chờ thị trường khôi phục đã tác động khá lớn đến số ghế cung ứng trên mạng bay nội địa. Do đó, dẫn đến đội máy bay bị thiếu hụt, cung không đáp ứng được cầu. Hiện nhiều đường bay nội địa từ Tp.HCM và Hà Nội đi các tỉnh chủ yếu do Vietnam Airlines và Vietjet bán ghế.
Cục Hàng không Việt Nam cũng nhấn mạnh về tình trạng thiếu hụt máy bay, dẫn đến việc vé máy bay trong dịp cao điểm hè sắp tới trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng thừa nhận việc triệu hồi động cơ từ nhà sản xuất Mỹ đã gây ra tình trạng thiếu hụt máy bay nghiêm trọng cho ngành hàng không Việt Nam. Đến hết ngày 31-3, trong tổng số 205 máy bay của Việt Nam, chỉ có 159 máy bay đang hoạt động, 20 máy bay đang trong quá trình bảo dưỡng, và 26 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu từ nhà sản xuất.
Lựa chọn du lịch nội địa sang du lịch quốc tế
Việc tăng giá vé máy bay đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của người dân. Nhiều người đã chuyển hướng từ du lịch nội địa sang du lịch quốc tế, với hy vọng tìm kiếm mức giá hợp lý hơn.
Nhiều du khách như gia đình anh Nguyễn Như Tiến (Cầu Giấy, Hà Nội) sau một vòng dạo quanh các gian hàng tại ngày hội Du lịch TP.HCM vừa qua đã quyết định lựa chọn hành trình 4 ngày 3 đêm đi Malaysia thay vì chọn Đà Nẵng hay Phú Quốc như trước đây. Thực tế cho thấy, không chỉ anh Tuấn Hoàng mà nhiều người dân khác cũng đang lựa chọn tour quốc tế thay vì tour trong nước.
Giá vé máy bay tăng cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đi du lịch của không ít người dịp 30/4 sắp đến. Chị Quỳnh Anh (Hà Đông, Hà Nội) phân vân lựa chọn địa điểm đi du lịch nhân dịp nghỉ lễ 30/4. Tuy nhiên, khi xem giá vé Vietnam Airlines đi Phú Quốc quá cao so với một số đường bay quốc tế nên đã quyết định lựa chọn đi du lịch Thái Lan bởi giá rẻ hơn tour nội địa.
Thực tế cho thấy không chỉ mình chị Quỳnh Anh mới “quay xe”, chuyển địa điểm từ du lịch trong nước thành tới các nước không yêu cầu visa như Thái Lan, Malaysia. Bởi tâm lý tour quốc tế rẻ hơn tour nội địa lại được tận hưởng cảm giác xuất ngoại khác biệt.
Thông tin từ Công ty Vietluxtour cho thấy, tour lễ 30/4 và 1/5 tại Vietluxtour có đến 70% du khách đặt mua tour nước ngoài. Tương tự, tại Công ty Lữ hành Saigontourist, dịp lễ 30/4 và 1/5 công ty dự kiến sẽ phục vụ 110.000 lượt khách, nhưng hiện lượng khách đăng ký đi tour nước ngoài chiếm đến 60%. Tại Vietravel và Flamingo Redtours hiện lượng khách đặt tour quốc tế chiếm tỷ lệ 60-70%.
Thông tin từ các công ty du lịch tiết lộ rằng, tình trạng tăng giá vé máy bay đang gây áp lực lớn lên chi phí tổ chức tour. Theo đó, trong tổng chi phí của tour, giá vé máy bay hiện đang chiếm từ 30-40%, nhưng với sự tăng giá mạnh mẽ, tỷ lệ này đã tăng lên đến 50-60%. Sự gia tăng này buộc các công ty du lịch phải tăng giá tour nội địa thêm khoảng 15-20%, làm cho nhiều khách hàng chuyển hướng sang mua các tour quốc tế.
Theo thống kê của một số công ty du lịch hàng đầu như Vietluxtour, Saigontourist, Vietravel và Flamingo Redtours, dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, số lượng du khách đăng ký các tour nước ngoài chiếm tỷ lệ từ 60-70%, đặt ra nhiều thách thức mới đối với ngành du lịch trong nước.
Du lịch nội địa kích cầu bằng cách nào?
Giá vé máy bay tăng đang là một thách thức đối với ngành du lịch. Đặc biệt, trong mùa thấp điểm khi có thể làm giảm sức hấp dẫn của du lịch nội địa khiến thị trường trong nước đói khách, các địa phương sẽ là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho hay, để ứng phó với giá vé máy bay tăng, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ nên xây dựng tour tuyến mới theo hướng tăng tour đi bằng xe chất lượng cao ở những chặng ngắn; kết hợp đi máy bay và tàu hỏa, ô tô tới các điểm du lịch…
“Nhưng để có thể giảm giá tour nội địa trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới ngành hàng không cần tăng tần suất bay và hành khách cũng nên chấp nhận bay đêm để có giá ưu đãi”- ông Bình gợi ý.
Còn theo các công ty du lịch, du khách sử dụng đường bay trong nước thường đi vào các khung giờ 10 – 13 giờ và 15 – 18 giờ hàng ngày. Do đó, các chuyến bay trong những khung giờ này luôn quá tải, từ đó giá vé máy bay luôn đắt nhất. Muốn hạ giá tour, chúng tôi phải lựa chọn giờ bay phù hợp hơn nhằm đặt được vé giá rẻ.
Để tour nội địa không lép vế trước tour ngoại các chuyên gia du lịch cho rằng, ngành hàng không nên phối hợp với đại lý vé máy bay tung ra các loại vé khuyến mại cho hành khách mua sớm và các gói combo, từ đó khuyến khích hành khách có kế hoạch sớm mua vé nhằm tiết kiệm chi phí và thêm nhiều lựa chọn.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Đỗ Đình Cương đề xuất các hàng không liên kết với doanh nghiệp lữ hành cũng bỏ kinh phí giảm giá dịch vụ, qua đó không tăng giá tour, ngành ngành hàng không không phải giảm giá vé quá nhiều.
Trước những kỳ nghỉ lễ cố định hay mùa hè, hãy sắp xếp để đặt vé bay trước thay vì sát ngày bay. Hơn nữa, việc khách hàng đặt vé sớm cũng giúp ngành hàng không chủ động chuẩn bị được các kế hoạch khai thác, đánh giá được nhu cầu sớm và tăng chuyến nếu cần.