Dự án BOT hầm đường bộ lớn thứ 2 Việt Nam của 'vua hầm' danh tiếng điều chỉnh giảm vốn hơn 7.200 tỷ

Bộ GTVT quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án BOT hầm đường bộ xuống còn 18.903,89 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ký Quyết định số 397/QĐ – BGTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) theo hình thức hợp đồng BOT.

Bộ GTVT quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xuống còn 18.903,89 tỷ đồng, gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 593,44 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị: 13.254,16 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án tư vấn, chi phí khác: 1.988,12 tỷ đồng; chi phí vận hành hầm Hải Vân qua đèo giai đoạn 2016-2017 và 2018-2020: 455,72 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng (tạm tính): 2.612,45 tỷ đồng; chi phí dự phòng: 0 tỷ đồng.

BOT hầm đường bộ Đèo Cả đang được lên kế hoạc xây dựng.

So với Quyết định số 3107/QĐ-BGTVT ngày 5/10/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh giảm 7.250 tỷ đồng, trong đó đáng kể nhất là chi phí thiết bị và xây dựng giảm 2.049,78 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng giảm 1.209 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm 3.052 tỷ đồng...

Tổng mức đầu tư Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ được xác định chính xác khi quyết toán công trình.

Với thay đổi nói trên đã dẫn tới thay đổi trong cơ cấu nguồn vốn thực hiện Dự án. Cụ thể, theo Quyết định số 397, nguồn vốn BOT thực hiện Dự án là 14.127,27 tỷ đồng. Các nội dung khác giữ nguyên theo các quyết định trước đó của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 47/QĐBGTVT ngày 6/1/2012. Dự án này do Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai đã bổ sung một số hạng mục vào Dự án theo quy định và điều chỉnh nguồn vốn thực hiện dự án. 

Tính đến cuối tháng 12/2020, toàn bộ các hạng mục thuộc dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả đã được hoàn thành, trong đó hạng mục hầm Đèo Cả, Cổ Mã và đường dẫn hoàn thành vào 8/2017; hạng mục hầm Cù Mông hoàn thành vào tháng 3/2019; hạng mục hầm Hải Vân hoàn thành tháng 12/2020.

Hầm đường bộ Đèo Cả là một công trình giao thông trọng điểm Quốc gia, được Bộ Xây dựng công nhận là một trong 5 công trình tiêu biểu Quốc gia nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam. Là hầm đường bộ lớn thứ 2 trên trục Bắc - Nam sau hầm Hải Vân, và là công trình hầm đường bộ quy mô lớn được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước, do một doanh nghiệp tư nhân đảm trách. Từ chủ đầu tư đến các nhà thầu thi công đều của Việt Nam.

Sau khi đưa hầm đường bộ Đèo Cả vào khai thác, thời gian qua hầm được rút ngắn từ 45 phút đường đèo xuống chỉ còn hơn 10 phút, đã giải quyết triệt để và xóa bỏ những điểm đen nguy hiểm, dễ ùn tắc giao thông. Hầm Đèo Cả còn tạo ra sự kết nối quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; tạo đà phát triển về công nghiệp, dịch vụ, du lịch khu vực duyên hải miền Trung; tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng miền Trung - Tây Nguyên.