Theo quy hoạch KCN Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt thì Đồng Nai có 35 KCN. Đến nay, UBND tỉnh đã thành lập được 32 KCN, còn 3 đang hoàn tất thủ tục để nhanh chóng thành lập và mời gọi nhà đầu tư.
Hiện tỷ lệ lấp đầy của các KCN tại Đồng Nai là 82%. Diện tích còn lại để cho thuê phần lớn vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vì thế, tỉnh đang gấp rút thành lập thêm 3 KCN là Cẩm Mỹ khoảng 300ha nằm trên địa bàn xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ), Phước Bình 190ha ở xã Phước Bình (huyện Long Thành) và Gia Kiệm 330ha xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) để tiếp tục phát triển công nghiệp.
Ngoài 3 KCN dự tính sẽ thành lập ở trên thì trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tỉnh Đồng Nai sẽ làm mới và mở rộng thêm 8 KCN khác tại các huyện, TP Long Khánh với mục tiêu tập trung phát triển công nghiệp, nhưng thu hút đầu tư có chọn lọc để có những dự án mang lại hiệu quả cao.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, trong thời gian tới, tỉnh thu hút đầu tư ưu tiên mời gọi những dự án công nghệ cao đem lại giá trị gia tăng cao và sử dụng ít lao động. Nếu các KCN trên sớm tìm được nhà đầu tư để tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và nước ngoài.
Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, có những tập đoàn cần diện tích lớn để đầu tư nhà xưởng sản xuất và kéo một số doanh nghiệp nhỏ vào sản xuất sản phẩm đầu vào cho mình. Đồng Nai sẽ là điểm đến được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn lựa.