Dồn lực chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão

(CL&CS) - Ngày 30/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh khẩn trương ứng phó với tình hình mưa lũ, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều.

Thiên tai xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung. (Ảnh Thế Sơn)

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 30-31/10, tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 300mm; các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm.

Lũ trên trên sông Cả (Nghệ An), sông Ngàn Sâu, sông La (Hà Tĩnh) đang lên, lũ trên sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam đang xuống. Dự báo mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt đạt đỉnh ở mức 8,0m, trên báo động 1: 0,5m, sau xuống chậm; lũ trên sông Cả, sông La tiếp tục lên, Ngàn Phố tiếp tục xuống.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tập trung tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê theo cấp báo động để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.

Kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu; các công trình đang thi công để triển khai phương án bảo vệ, bảo đảm an toàn.

Bộ Công an đã chỉ đạo cán bộ công an các đơn vị, địa phương chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão. Bộ Quốc phòng đã huy động 6.260 cán bộ, chiến sĩ và 20 phương tiện, thiết bị tham gia tìm kiếm cứu nạn và giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Các địa phương chỉ đạo các lực lượng tổ chức tìm kiếm cứu nạn, giúp dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục giao thông, lưới điện, kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa; rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; thống kê, đánh giá thiệt hại.

Tại TP.Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã dự trữ hàng hóa lương thực đầy đủ.

Tại các tỉnh bị ngập lụt nặng trước bão số 9 gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đến nay đã tiếp tục dự trữ đợt 2 đối với hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác để sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lũ tiếp theo.

Thiệt hại ban đầu do bão số 9 và mưa lũ tính đến đêm 29/10, có 20 người chết, 80 người bị thương và còn 42 người mất tích. Thiệt hại về vật chất, 283 căn nhà bị sập, 91.951 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái và gần 2.500 căn nhà bị ngập cùng nhiều thiệt hại về vật chất khác.

Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1503/CĐ-TTg về việc khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đến 18h cùng ngày, các lực lượng cứu hộ và người dân địa phương đã tìm thấy 17 thi thể khu vực sạt lở tỉnh Quảng Nam, gồm 8/8 người bị vùi lấp tại xã Trà Vân, 6/12 người bị vùi lấp ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), 3/11 người bị vùi lấp ở xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn); cứu hộ 38 công nhân mắc kẹt tại công trường đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi).

Bài liên quan

TIN LIÊN QUAN