Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi xuất khẩu

(CL&CS) - Ngày 5/11, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Châu Á - chuyên đề: cập nhật các vấn đề liên quan tới các FTA trong khuôn khổ ASEAN và quy tắc xuất xứ hàng hóa theo các FTA.

Nhằm hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, khai thác thông tin cập nhật các định hướng, chủ trương, chính sách, quy tắc xuất xứ hàng hóa và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc đàm phán và thực thi các FTA trong khuôn khổ ASEAN, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Châu Á - Chuyên đề: Cập nhật các vấn đề liên quan tới các FTA trong khuôn khổ ASEAN và quy tắc xuất xứ theo các FTA.

Quang cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo, đại biểu được giới thiệu tổng quan các FTA trong khuôn khổ ASEAN: tiềm năng và lợi thế cho các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trong khu vực; các vấn đề nổi bật liên quan tới quy tắc xuất xứ các mặt hàng khi xuất khẩu sang thị trường các nước châu Á theo các FTA; tận dụng ưu đãi từ các FTA - thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Indonesia; một số lưu ý những vấn đề thường gặp và cách xử lý đối với những vấn đề phát sinh liên quan đến sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Á đã ký kết FTA.

Các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu, nắm vững các cam kết; xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để khai thác tối đa cơ hội; nỗ lực đổi mới sáng tạo, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tham gia các chuỗi cung ứng mới... Ngoài ra, cần có sự gắn kết, phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội, đơn vị có liên quan để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ cần thiết cũng như kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh.

Thông tin với báo chí, ông Quyền Anh Ngọc, Trưởng phòng ASEAN - Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), các nước cam kết xoá bỏ, cắt giảm thuế nhập khẩu, không cam kết đối với thuế xuất khẩu. Cùng đó, việc mở cửa thị trường hàng hoá tương tự các FTA ASEAN hiện hành.

Các nước ASEAN xoá bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 85,9%-100% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực. Ngoài ra, các nước đối tác xoá bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7%-98,3% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực.

Điểm khác biệt về thuế với hiệp định này là các nước áp dụng cam kết thuế quan khác nhau với các đối tác khác nhau cho một số mặt hàng trong khi các FTA khác chỉ áp dụng một biểu cam kết thuế quan.

Theo ông Quyền Anh Ngọc, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu được các nước xoá bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực gồm thuỷ sản, thịt, rau quả, nông sản. Bên cạnh đó là một số loại máy móc, trang thiết bị cơ khí; dụng cụ phụ tùng, máy móc, máy vi tính và thiết bị linh kiện điện tử. Ngoài ra, còn có một số nhóm hàng giày, dép và bộ phận, phụ kiện của giày, dép; nguyên liệu dệt, hàng dệt may, quần áo, hoá chất.

Đối với cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cam kết toàn bộ 11 ngành hàng với khoảng 110/115 phân ngành dịch vụ (theo phân loại của WTO) từ dịch vụ viễn thông, tài chính, giao thông vận tải tới các dịch vụ khác như dịch vụ liên quan tới sản xuất, dịch vụ nghe nhìn…Mặt khác, mở của toàn bộ khách sạn, nhà hàng, kho bãi, đại lý vận tải hàng hoá, chuyển phát nhanh và một số phân ngành dịch vụ chuyên môn như dịch vụ kế toán, kiểm toán, thế, kiến trúc, nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên, cho thuê không kèm người điểu khiển đối với máy bay.

Với những ưu thế về thuế quan cùng với những lợi thế về môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch hơn; quy tắc xuất xứ linh hoạt... doanh nghiệp Việt tận dụng được cơ hội từ các FTA trong ASEAN sẽ có cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị trong khu vực.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nỗ lực đổi mới sáng tạo, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia các chuỗi cung ứng mới. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu nắm vững cam kết cũng như xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để khai thác tối đa cơ hội.

Để tận dụng ưu đãi từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại tại Indonesia cho biết, hàng hoá Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế tại Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu gia tăng; có lợi thế so sánh với nhiều nhóm hàng nông, thuỷ sản.

Ngoài ra, hai nước cũng đã kết nối đường bay thẳng (Vietnam Airline, Vietjet Air cũng là lợi thế để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Song, Indonesia là thị trường mang tính bảo hộ cao như hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu; chứng nhận Halal (phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp); tiêu chuẩn quốc gia (SNI), quy định về cảng nhập khẩu (một số nhóm hàng); thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Indonesia là quốc gia có nhiều đảo, địa hình chia cắt là gia tăng chi phí logistics hàng hoá. Sự cạnh tranh của hàng hoá các nước ASEAN khác và nhất là Trung Quốc, cơ cấu hàng hoá  nhóm nông, thuỷ sản của Indonesia cũng khá tương đồng với Việt Nam. Đi kèm đó là chính sách hạ nguồn, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô của Indonesia cũng tạo áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp.

Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI. Cùng đó, chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan Việt Nam trong trường hợp Indonesia khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan tới sản phẩm của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Nhằm tránh bị lừa đảo hay tranh chấp thương mại, ông Phạm Thế Cường khuyến nghị doanh nghiệp cần cảnh giác khi thấy việc đàm phán giá cả, hợp đồng đang diễn ra nhanh chóng, ít mặc cả, chấp nhận giá cao; không cung cấp hoặc cung cấp giấy tờ pháp lý doanh nghiệp dưới nhiều pháp nhân khác nhau. Do đó, trước khi ký hợp đồng doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác Indonesia phải cung cấp chứng nhận/sổ đăng ký kinh doanh (NIB) và mã số thuế (TIN).

Theo TS. Khổng Quốc Minh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng lưu ý một số vấn đề thường gặp và cách xử lý đối với những vấn đề phát sinh liên quan đến sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Á đã ký kết FTA. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT của mình khi xuất khẩu.

Tôn trọng quyền SHTT của người khác và tuân thủ các quy định về SHTT tại thị trường xuất khẩu. Để tiếp cận nhanh vấn đề SHTT và xử lý phát sinh bảo hộ quyền SHTT (nếu có) tại thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp nên có thói quen sử dụng dịch vụ đại diện SHTT tại nước ngoài. Qua đó, hạn chế được rủi ro về quyền SHTT và nâng cao cơ hội thành công trên thị trường quốc tế.

Theo các chuyên gia, về lý thuyết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mang lại nhiều thuận lợi, cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, cản ngại khi áp dụng, thực thi các FTA, như: điều khoản thỏa thuận phức tạp, thiếu chuyên gia nội bộ, thị trường kém hấp dẫn… Hội thảo nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, khai thác thông tin; cập nhật các định hướng, chủ trương, chính sách, quy tắc xuất xứ hàng hóa và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc đàm phán và thực thi các FTA trong khuôn khổ ASEAN.

TIN LIÊN QUAN