Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, việc Chính phủ đồng ý giảm 50% thuế lệ phí trước bạ trong thời gian 6 tháng đối với xe lắp ráp trong nước sẽ là động lực lớn để thúc đẩy sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, hạn chế ô tô nhập khẩu và kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Cụ thể là chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, đã có 53.544 xe các loại được bán ra toàn thị trường. Mặc dù có lượng ô tô tiêu thụ hàng trăm nghìn chiếc mỗi năm và tiếp tục được đánh giá là hoạt động mua bán ô tô sẽ sôi động trong năm nay nhưng có một điều không thể phủ nhận là mức giá ô tô ở Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước.
Một trong những nguyên nhân khiến giá ô tô trong nước vẫn cao hơn so với các nước khác là bởi chính sách thuế, phí. Thậm chí, tiền thuế, phí các loại hiện đang chiếm phần lớn giá trị thực sự của nhiều chiếc xe ô tô trước khi chúng được lăn bánh trên thị trường.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định khách quan, dù giá ô tô tại Việt Nam gần đây giảm nhưng vẫn cao hơn gần hai lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển ổn định như Mỹ, Nhật Bản. Nguyên nhân chủ yếu là do thuế và phí đối với ô tô sản xuất trong nước cao.
Không chỉ chịu gánh nặng thuế phí, ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam được đánh giá là chưa phát triển do tỷ lệ nội địa hóa thấp. Hiện, thị trường ô tô trong nước đang có rất nhiều dòng xe khác nhau. Nếu chỉ tính về mẫu mã, trong hơn 100 loại xe đang được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, không có mẫu xe nào đạt được sản lượng 50.000 xe/năm, trong khi đây là mức tối thiểu để gia tăng tỷ lệ nội địa hoá của ngành.
Một số doanh nghiệp sản xuất ô tô cho biết, chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam có giá xuất xưởng cao hơn 10 - 20% so với xe tương tự được sản xuất ở Thái Lan nên đây là điều các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước cân nhắc phải đầu tư như thế nào cho hiệu quả giữa việc nhập xe hay sản xuất lắp ráp.
Để khuyến khích nội địa hóa, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, chính sách thuế rất quan trọng và đề nghị chính sách thuế phải có tính ổn định lâu dài nhằm khuyến khích doanh nghiệp ô tô xây dựng chiến lược đầu tư bài bản, nếu không các nhà sản xuất linh kiện trong nước chỉ dám đầu tư theo kiểu "ăn xổi".
Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất được những sản phẩm giản đơn như băng keo dán kính chắn gió, nhãn tiêu thụ năng lượng, tem đăng kiểm, tem nhiên liệu, ống dẫn xăng dẫn nước, nắp che két nước, lốp không săm, dây điện, miếng đệm biển số sau, chắn bùn, bộ ghế, cản xe, ắc quy, vành xe, ống xả, điều hòa không khí…
Vì chưa chủ động sản xuất được các linh kiện và cũng chưa có doanh nghiệp thực sự lớn trong ngành công nghiệp ô tô nên việc nhập khẩu các linh kiện chắc chắn khiến chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đội lên ở mức khá cao.
Điểm sáng đáng chú ý là Việt Nam có 3 doanh nghiệp lớn là Thaco, Hyundai Thành Công và VinFast cùng với việc đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô, các đơn vị này đã chủ động đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, Thaco đầu tư vào sản xuất linh kiện phụ tùng quy mô lớn nhất Việt Nam tại Quảng Nam vừa gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, vừa xuất khẩu ôtô và linh kiện phụ tùng.
Tập đoàn Thành Công cũng đã đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng tại Quảng Ninh.
Đây sẽ là nơi quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ sản xuất phụ tùng và linh kiện có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới xuất khẩu.
VinFast cũng dành 70ha để đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp này sẽ là thành tác nhân để thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ phát triển…
Bộ Công Thương cũng cho rằng, dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu cũng như chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực đang là hai điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Còn theo các chuyên gia ôtô để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ nên đưa ra các bộ tiêu chí đạt tiêu chuẩn quốc tế, được các nhà sản xuất ôtô thế giới công nhận.
Khi giải quyết được các điểm trên, ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô sẽ có nhiều cơ hội phát triển và sớm giải quyết được bài toán nội địa hóa để kéo giảm giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.