Doanh nghiệp làm gì để ứng phó với bẫy ngoại thương?

(CL&CS) - Trong các vụ tranh chấp thương mại được yêu cầu giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chịu những bất lợi vì các sơ suất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng.

Doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Hội nghị giao thương ngành cơ khí đầu tháng 7/2024. Ảnh minh họa: TH

Rủi ro tranh chấp thương mại

Đó là chia sẻ của các chuyên gia VIAC tại Hội nghị "Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp" tổ chức tại TPHCM vào cuối tuần qua.

Qua kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong và ngoài nước về pháp lý, các chuyên gia đã phân tích và đúc kết một số vấn đề nổi bật thường phát sinh trong giao dịch với đối tác quốc tế. Thông qua thực tiễn vụ việc và các thiệt hại mà doanh nghiệp Việt phải gánh chịu, chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần hiểu rõ tính chất, đặc điểm của hợp đồng ngoại thương, hợp đồng được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật nào, có tiềm ẩn rủi ro về chính trị, văn hoá hay không. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiến hành rà soát, đánh giá về năng lực chủ thể giao kết, điều kiện giao dịch, quy định pháp luật của nước sở tại để chủ động ứng phó với những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Từ góc độ pháp lý, LS. Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới chia sẻ “Giải pháp hợp đồng cho một số thị trường xuất nhập khẩu trọng điểm và phương thức hạn chế sự chi phối của đối tác trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài”. Theo ông Thành, qua số liệu thống kê hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, so với các ngành nghề khác, biểu đồ xuất nhập khẩu thường không ổn định do đây là ngành nghề dễ chịu tác động bởi biến động thị trường. Chính vì vậy, để giao dịch được hiệu quả, doanh nghiệp phải rất “nhạy cảm” với những thay đổi mới, những tình huống mới có thể phát sinh, đặc biệt liên quan đến pháp lý. Đối với hoạt động giải quyết tranh chấp, LS. Thành cho rằng, các yếu tố quan trọng khi quản lý tranh chấp trong giao dịch ngoại thương chính là luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp. Để không chịu thiệt thòi khi phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng khi soạn thảo các điều khoản quy định những nội dung trên.

Chia sẻ về bức tranh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ngành gỗ, cũng như tránh những tranh chấp thương mại, ông Vũ Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty CP TEKCOM cho biết, tỷ lệ xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng lần lượt 24,5% và 19,5% so với cùng kỳ. Tuy vậy, song hành với tỷ lệ tăng đáng kể của tỷ lệ xuất nhập khẩu gỗ là những thách thức về tiêu chí bền vững mà các thị trường xuất nhập khẩu đặt ra như: Các thị trường xuất khẩu chủ lực đang ngày càng thực thi các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và tính bền vững của sản phẩm gỗ. Các yêu cầu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu Net-zero; quy định chống phá rừng của châu Âu có hiệu lực từ cuối tháng 6/2023; Mỹ yêu cầu gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ. Gần đây nhất, DOC tiếp tục gia hạn điều tra lẩn tránh thuế với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, một số quốc gia nhập khẩu đưa ra rào cản phi thuế quan để hạn chế hàng hoá nhập khẩu.

Phân tích một số rủi ro bẫy ngoại thương về lừa đảo thương mại, hợp đồng không rõ ràng, rủi ro về thanh toán và vận chuyển, biến động thị trường và chính sách, rủi ro pháp lý và tuân thủ, ông Huy đưa ra một số kinh nghiệm phòng ngừa bẫy ngoại thương, đó là doanh nghiệp cần thẩm định kỹ lưỡng đối tác, soạn thảo hợp đồng rõ ràng và chi tiết, có phương thức thanh toán an toàn, bảo hiểm hàng hóa, theo dõi và cập nhật thông tin thị trường.

Chuyển đổi xanh đáp ứng thị trường xuất khẩu

Bên cạnh những lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp xuất khẩu khi ký kết hợp đồng ngoại thương, tránh phát sinh tranh chấp, các chuyên gia tham dự hội nghị lần này cũng bàn nhiều đến câu chuyện chuyển đổi xanh. Giải đáp câu hỏi “Vì sao phải xanh?” TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên VIAC cho rằng, đây là mệnh lệnh và đòi hỏi của chính thị trường, các cam kết quốc tế… mà doanh nghiệp phải đáp ứng.

Như vậy, áp lực từ thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải vận động cùng với xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh". Để đáp ứng yêu cầu này, ông Thành khuyến nghị, doanh nghiệp nên linh động trong việc lựa chọn và tiếp cận đối tác và thị trường mục tiêu, tích cực điều chỉnh phù hợp đối với các mặt hàng chủ lực. Ngoài ra, việc “xanh hóa” trong doanh nghiệp cũng nên được quan tâm đúng mực. Trong đó, việc thực hiện ESG là yếu tố mang tính “sống còn” trong xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững của doanh nghiệp. “Việt Nam cần tháo gỡ được 2 điểm nghẽn cố hữu là hạ tầng và nhân lực, chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể gia tăng giá trị, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư FDI, tận dụng lợi thế và cơ hội để “”tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại” trong một thế giới nhiều biến động”- TS. Võ Trí Thành đề xuất.

Liên quan đến việc tận dụng các cam kết, hiệp định liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm thuận lợi hóa giao dịch giữa doanh nghiệp Việt với đối tác quốc tế, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh khu vực TPHCM cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, các FTA cùng lúc cũng đặt ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp khi nó buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi, bắt kịp các tiêu chuẩn mới để không bị loại trừ, tăng sức cạnh tranh. Qua nghiên cứu, ông Nam cho rằng các thị trường lớn thời gian qua và sắp tới đây sẽ tăng cường siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải có chiến lược, phương án thay đổi quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu, “xanh hóa” nhanh chóng để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ, đồng thời tìm kiếm được nhiều cơ hội mới trên các thị trường mới.

LS. Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): Quản trị rủi ro trong giao dịch ngoại thương là cực kỳ quan trọng

 
 

Trong bối cảnh cảnh thế giới đang dành sự quan tâm lớn cho mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành XNK và logistics đang bị đặt dưới nhiều áp lực liên quan đến rào cản kỹ thuật về môi trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Thời gian tới, bức tranh XNK của nước ta sẽ phân hoá rất rõ rệt khi các doanh nghiệp thay đổi kịp thời, ứng phó hiệu quả chắc chắn sẽ tận dụng được cơ hội, phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, doanh nghiệp thích nghi chậm hơn sẽ có nguy cơ đối mặt nhiều thách thức mới khi nhiều quy định siết chặt được đặt ra tại các thị trường mục tiêu. Trong nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC và nhiều trường hợp trong số đó, doanh nghiệp Việt lại đang là bên chịu bất lợi, nhưng lại không thể bảo vệ được tốt quyền lợi của mình vì các sơ suất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng. Nên quản trị hợp đồng, quản trị rủi ro trong giao dịch ngoại thương là cực kỳ quan trọng.

Ông Vũ Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty CP TEKCOM: 6 giải pháp tránh bẫy ngoại thương

 
 

Trong các giao dịch kinh tế xuất nhập khẩu, doanh nghiệp phải ứng phó với nhiều loại "bẫy ngoại thương”. Để phòng tránh, doanh nghiệp cần thẩm định đối tác kỹ lưỡng nghiên cứu kỹ lưỡng về đối tác, kiểm tra thông tin công ty, lịch sử giao dịch, và tham khảo từ các nguồn đáng tin cậy; soạn thảo hợp đồng rõ ràng và chi tiết. Theo đó, đảm bảo hợp đồng được soạn thảo rõ ràng, bao gồm các điều khoản về thanh toán, vận chuyển, bảo hiểm, và giải quyết tranh chấp; sử dụng các phương thức thanh toán an toàn. Cụ thể, áp dụng các phương thức thanh toán như thư tín dụng (L/C), đặt cọc đủ chi phí vận chuyển chở hàng về/ giảm giá bán để thanh lý trong trường hợp khách hàng từ chối nhận hàng để giảm thiểu rủi ro về thanh toán; bảo hiểm hàng hóa. Mua bảo hiểm cho hàng hóa để bảo vệ khỏi các rủi ro trong quá trình vận chuyển; theo dõi và cập nhật thông tin thị trường và chính sách. Theo đó, luôn cập nhật các thay đổi về chính sách, thuế quan, và thị trường để có những điều chỉnh kịp thời trong chiến lược kinh doanh.

TIN LIÊN QUAN