Sự kiện nằm trong khuôn khổ Gala Báo chí 2022 do Hội Nhà báo Việt Nam giao Báo Nhà báo & Công luận tổ chức ngày 4/11 tại Thanh Hóa.
Tham dự và chủ trì Diễn đàn có các ông: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phạm Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam – Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin- Truyền thông).
Tham dự Diễn đàn về phía lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá; ông Đào Xuân Yên, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Thanh Hóa; ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa.
Đặc biệt, Diễn đàn còn có sự tham gia của gần 60 Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Mở đầu Diễn đàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, chuyển đổi số báo chí đã trở thành chủ đề rất nóng. Đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này. Sự quan tâm của các cơ quan báo chí với vấn đề này càng ngày càng tăng, rõ ràng là chúng ta không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số. Cả nước đang trong quá trình chuyển đổi số và báo chí cũng trong quá trình này. Nếu không muốn mất độc giả, khán thính giả và quan trọng hơn là nếu không đi theo lộ trình này, chúng ta sẽ không thực hiện được sứ mệnh của mình là đưa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với những độc giả, trong nước và quốc tế".
Ông Minh nhấn mạnh:"Chúng tôi mong muốn chuyển đổi số báo chí không chỉ là trào lưu mới mà cần phải được lan toả, triển khai đến các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ ở các cơ quan báo chí Trung ương, mà ở cả các cơ quan báo chí địa phương… Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định lại rằng, chuyển đổi số thành công hay không phải là nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà là vấn đề tư duy, phải thay đổi tư duy của người đứng đầu cho đến toàn bộ toà soạn thì mới thành công".
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá cho rằng: "Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận phối hợp cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập về chủ đề chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí là một nội dung hết sức có ý nghĩa… Đặc biệt, việc chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí đang là hướng đi quan trọng để nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền, là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để đưa nội dung của tờ báo đến với công chúng, làm tròn sứ mệnh cung cấp những thông tin khách quan, chính xác, tin cậy, hấp dẫn và nhân văn, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển của đất nước".
Sau phần khai mạc, các đại biểu tham gia các phiên thảo luận xung quanh các vấn đề: Thực trạng và xu hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam; Mô hình chuyển đổi số nào sẽ phù hợp với các cơ quan báo chí hay chỉ là “cuộc chơi” nhất thời của những tờ báo có tiềm lực mạnh?; Kiến nghị và Giải pháp.
"Chuyển đổi số - Con đường không thể khác"
Về vấn đề chuyển đổi số, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Một số cơ quan báo chí đã tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng một số cơ quan chưa có được thành công trong việc chuyển đổi số so với sự phát triển chung của xã hội”.
Chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số tại tòa soạn của mình, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Điện tử Vietnamnet kể rằng, vào năm 2018, Báo Điện tử Vietnamnet được Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ trở thành một cơ quan báo chí đi đầu về chuyển đổi số. Ông Tuấn thừa nhận sự khởi đầu là rất khó khăn vì các công ty công nghệ lớn không mặn mà với việc hợp tác với báo chí, hoặc đưa ra mức giá đề nghị quá cao. Cho đến nay, đây vẫn là một vấn đề lớn đối với các cơ quan báo chí nói chung do tại Việt Nam, các công ty công nghệ chuyên sâu về lĩnh vực báo chí vẫn không nhiều.
Cũng theo ông Tuấn, các cơ quan báo chí thường rất hào hứng với “chuyển đổi”, song khi đến phần “số” thì vấp phải nhiều khó khăn, do xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là rất phức tạp và đắt đỏ. Ông Tuấn kể lại rằng lúc đó các nhà quản lý báo chí đã gợi ý xây dựng một nền tảng kỹ thuật số cơ bản để dùng chung cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, mô hình này là không khả thi, do mỗi cơ quan báo chí có đặc thù khác nhau, nên không thể sử dụng chung một nền tảng kỹ thuật số. Kết luận bài phát biểu, ông Tuấn cho rằng dù khó khăn, nhưng đây là con đường không thể khác để phát triển báo chí.
Đồng quan điểm này, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao Động chia sẻ đầy tâm huyết và nhấn mạnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. “Không chuyển đổi số sẽ chết”, ông Tuân khẳng định, đồng thời cũng nói rằng đây là mục tiêu quan trọng mà báo Người Lao động quyết tâm thực hiện.
Bàn về chuyển đổi số, nhà báo Lê Quang Minh, Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội muốn nói về vấn đề tài chính trong bối cảnh các cơ quan báo chí đều đang rất khó khăn. Ông Minh thừa nhận chuyển đổi số hiện tại "rất đắt đỏ" và với cơ chế hiện nay, nhiều đơn vị báo chí không dễ để làm.
Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội cho rằng: "Hiện nay, từ góc độ các cơ quan nhà nước, việc đầu tư cho công nghệ là rất khó khăn". Ông Minh nói thêm: "Nếu làm phần cứng thì dễ, vì tất cả trên công bố rồi, nhưng phần mềm rất khó. Mà hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí rất khó khăn trong vấn đề chuyển đổi công nghệ ở góc độ đó".
Ông Phạm Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam – Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những chia sẻ về việc chuyển đổi số tại VOV và "mong muốn lãnh đạo Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo và các bộ, ngành có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, để có thể đến lúc chúng ta được đầu tư toàn diện cho báo chí kể cả về công nghệ và chi phí sản xuất nội dung, thông qua việc sửa đổi rất nhiều các chính sách hiện nay... Ví dụ như chính sách đặt hàng, kinh phí hỗ trợ của các địa phương... đều cần sự hỗ trợ thì báo chí mới giữ vững trên mặt trận thông tin, giữ vững về mặt tư tưởng, định hướng được dòng thông tin chủ lưu, từ đó sản xuất nội dung chuyên sâu".
Nói về chuyển đổi số tại Báo Nhân Dân, ông Lê Quốc Minh cũng có những chia sẻ rất thẳng thắn tại cơ quan mình: "Báo Nhân dân tự chủ 70%, ngân sách chỉ chiếm 30%. Việc chuyển đổi số tại báo Nhân Dân không tốn nhiều chi phí. Báo tiến hành chuyển đổi số trong chừng mực nhất định. Chuyển đổi số không chỉ về quy trình sản xuất nội dung mà ở tất cả các khâu của tòa soạn. Sắp tới báo Nhân Dân sẽ triển khai toà soạn không giấy. Chúng tôi đang thử nghiệm hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) để tìm hiểu hành vi người dùng và quản trị trụ sở báo Nhân dân trên toàn quốc. Dùng AI để quản trị".
Những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số
Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, việc kết hợp giữa báo chí và công nghệ được xem như một xu hướng chung của thế giới, theo mô hình Media-Tech hay Tech-Media. Khi mà các tờ báo trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư về mặt công nghệ (Media-Tech), còn các mạng xã hội mạnh về công nghệ lại đang đầu tư về mặt nội dung (Tech-Media).
Ông Lê Quốc Minh thừa nhận tài chính đúng là một vấn đề của hầu hết cơ quan báo chí do việc đầu tư vào công nghệ và phần mềm kỹ thuật số báo chí là rất đắt đỏ, cũng như không dễ tuyển dụng các lập trình viên cao cấp hay hợp tác với các công ty công nghệ. Ông Minh đưa ra một gợi ý khá thú vị về việc giải quyết vấn đề này. Đó là việc thay vì kết hợp với các công ty công nghệ lớn vốn đắt đỏ, thậm chí không mặn mà hợp tác với báo chí, thì các cơ quan báo chí có thể tìm kiếm các đối tác nhỏ, thậm chí các nhóm sinh viên công nghệ để tìm ra những giải pháp ấn tượng. “Đôi khi chúng ta tìm ra các đối tác vừa phải nhưng lại đem lại những kết quả hiệu quả, thay vì các đối tác lớn và có nhiều kinh nghiệm”, ông Minh chia sẻ.
Chuyển đổi số hiện nay không chỉ dành cho các cơ quan báo chí lớn mà còn nhận được sự quan tâm của ngay cả các tạp chí hay các ấn phẩm chuyên ngành. Phát biểu về vấn đề này tại diễn đàn, ông Vũ Tuấn Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân Pháp lý, kể về việc một công ty công nghệ truyền thông rất nổi tiếng của Úc muốn hợp tác với cơ quan báo chí cũ của ông để thúc đẩy thị trường chuyển đổi số tại Việt Nam. Tập đoàn này thậm chí còn đưa ra lời đề nghị xây dựng miễn phí một công nghệ chuyển đổi số CMS cho tạp chí của ông. Với công nghệ mới, một tin bài có thể được triển khai dễ dàng ở các nền tảng khác nhau, từ các bài báo truyền thống, đến các tin bài đa phương tiện như Media hay Podcast. Theo ông Vũ Tuấn Anh, phần mềm kỹ thuật số của công ty Úc là rất hiện đại và tiện lợi, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn, thì lại gặp rất nhiều vấn đề, do mọi nhân sự tham gia vào việc xuất bản tin tức đều cần có một kiến thức cơ bản về từng quy trình xuất bản, từ viết bài, biên tập cho đến kỹ thuật, mới có thể sử dụng và đặc biệt khai thác hết được tính năng của phần mềm.
“Vấn đề được đặt ra là các cơ quan báo chí cần phải thay đổi cả về công nghệ cũng như cả tư duy làm việc khi áp dụng các nền tảng công nghệ kỹ thuật số mới. Đây dường như là một vấn đề chưa thực sự phù hợp với báo chí tại Việt Nam, đặc biệt về việc đảm bảo khâu kiểm duyệt để phù hợp với yếu tố chính trị và tôn chỉ mục đích"- ông Vũ Tuấn Anh nói thêm.
Về vấn đề này, ông Lê Quốc Minh thừa nhận các hệ thống CMS của các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới là rất ấn tượng sau những trải nghiệm của riêng minh. Ông nêu ra một ví dụ rằng, với các nền tảng CMS hiện đại, các biên tập viên có thể làm việc ngay khi phóng viên đang viết. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc mua lại các công nghệ CMS hàng đầu là rất đắt đỏ, ngoài khả năng của phần lớn các cơ quan báo chí của Việt Nam. Thậm chí nếu không tận dụng được, đây còn được xem như một sự lãng phí. “Mua công nghệ tốt rồi mà không biết sử dụng thì cũng không giải quyết được việc gì”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Góp mặt tại Diễn đàn, nhà báo Phạm Văn Báu - Giám đốc Đài PTTH tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa cũng có những chia sẻ về công tác chuyển đổi số tại một cơ quan báo chí địa phương.
Ông cho biết: "Chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân, khi thực hiện chuyển đổi số với báo chí địa phương. Câu hỏi đặt ra là chuyển đổi số về nội dung trước hay về hạ tầng kỹ thuật trước, việc nào là cần thiết trước? Nhưng suy cho cùng xác định đâu là đối tượng chúng ta hướng tới thì tập trung vào đó. Chúng tôi chuyển đổi nội dung theo hướng số, đưa chương trình của đài đến với nhiều công chúng, để nơi nào có Internet thì nơi đó công chúng đều có thể tiếp cận được. Chúng tôi lập một bộ phận làm nội dung, liên kết từ nền tảng truyền thống chuyển sang nội dung số. Vấn đề quan trọng là tư duy con người, đội ngũ nhân lực yếu thì khó làm. Hiện chúng tôi phát triển tất cả các mạng xã hội để phát triển các kênh đưa thông tin đến công chúng, như nền tảng youtube đã có hơn 300.000 tài khoản theo dõi".
Ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập báo Lao Động đã chia sẻ về những khó khăn khi bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số ở tờ báo có tuổi đời tới 93 năm. Một trong những vấn đề mà ông đặt ra chính là câu chuyện làm sao để thay đổi tư duy, đào tạo con người cho chiến lược chuyển đổi số trong từng giai đoạn. “Với đội ngũ kỹ thuật gồm 12 người, toàn bộ giao diện, CMS chúng tôi đều tự viết, tự làm lấy… để việc chỉnh sửa các tác vụ được thuận tiện hơn. Muốn quá trình chuyển đổi số thành công chúng tôi cho rằng các quy định của Bộ Tài chính phải có sự thay đổi. Chúng ta chưa có thị trường công nghệ để phục vụ cho báo chí, chưa đủ hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số…” – ông nhấn mạnh.
Ở góc độ cơ quan quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí dành khá nhiều thời gian để nói về câu chuyện chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí, đồng thời ông cũng chia sẻ về kế hoạch, mục tiêu chuyển đổi số của Cục Báo chí trong thời gian tới.
Theo ông Phúc, mục tiêu chuyển đổi số phải tập trung vào nội dung và nội dung là cốt lõi. Ở quan điểm người làm báo, chuyển đổi số không phải là mục đích mà là phương tiện để đạt được mục tiêu. Chuyển đổi số giúp có nhiều độc giả xem, độc giả nghe và nâng cao giá trị tờ báo và doanh thu tăng.
Ông Phúc cho rằng, cần thúc đẩy các thoả thuận hợp tác giữa các cơ quan báo chí, để hỗ trợ nhau. Mục tiêu là nâng cao nhận thức của các cơ quan báo chí về chuyển đổi số. Qua khảo sát và kinh nghiệm thực tế của các nước, bộ phận công nghệ rất quan trọng, họ hình thành các đội ngũ công nghệ trong tờ báo.
"Với những tờ báo lớn như Vnexpress, Vietnamnet đã nhìn thấy điều đó, nhưng khó khăn vẫn là nguồn lực. Xây dựng nền tảng số cho phát thanh truyền hình được đầu tư bài bản, có một nền tảng số quốc gia dùng chung. Với báo chí, chúng tôi cũng kỳ vọng có một nền tảng như vậy. Mô hình này sẽ điều tiết và làm một số công việc cụ thể, đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên về nhận thực, kiến thức.
Xây dựng bộ chỉ số đánh giá mục tiêu chuyển đổi số, áp dụng hiệu quả như thế nào, tối ưu hoá quy trình làm việc hay không, tiết kiệm thời gian, chỉ số về doanh thu, tài chính, chỉ số về sự trải nghiệm của độc giả, khán thính giả. Ngoài ra, cùng xúc tiến hợp tác quốc tế. Nhà nước sẽ là đầu mối, khảo sát làm việc với các đối tác. Xây dựng bộ Quy chuẩn đo lường, vì hiện nay hệ thống đo lường bên ngoài chi phối hết".
Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số, nhà báo Ngô Văn Hải - Tổng Biên tập VTC News cho biết: "Chúng tôi là cơ quan báo chí tự chủ tài chính, nhà nghèo nên chúng tôi đã làm CĐS vì là nhu cầu tự thân. Thời điểm này, báo chúng tôi đã hoàn thành quản trị tòa soạn, không dùng giấy tờ. Chúng tôi đưa ra các KPI gắn với CMS. KPI có 16 tiêu chí quy ra điểm. Từ đó hiệu suất công việc tăng lên, việc đánh giá con người khá là chính xác". Ông cũng khẳng định rằng, chuyển đổi số không phải là việc gì khó khăn, nếu có quyết tâm thì hoàn toàn có thể làm được.
Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập báo Đại Biểu Nhân dân, cho rằng trong câu chuyện chuyển đổi số, điều cần nhất là sự quyết tâm, chuyển đổi số là tất yếu. "Nếu không chuyển đổi số sẽ chết!" - bà Huyền nhấn mạnh.
Sau gần 3 tiếng làm việc tập trung với nhiều ý kiến đóng góp quý giá và thiết thực, Diễn đàn Tổng Biên tập: “Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?”, do báo Nhà báo và Công luận tổ chức đã khép lại thành công với nhiều cảm xúc. Những chia sẻ, đóng góp của lãnh đạo các cơ quan báo chí đều xuất phát từ thực tế mỗi cơ quan báo chí và hầu hết đều đánh giá rằng, chuyển đổi số là nhiệm vụ sống còn và không thể khác.
"Chúng ta đã nói đến nhiều vấn đề từ đầu đến giờ, các vị đại biểu đã cung cấp cho diễn đàn nhiều ý kiến hữu ích. Ở góc độ các cơ quan quản lý trong đó có Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT&TT, chúng tôi thấy nhiệm vụ của mình là tiếp tục hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số. Riêng ở góc độ Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT&TT chúng tôi vẫn đang tổ chức rất nhiều những khoá đào tạo, đào tạo về kỹ năng quản lý, kỹ năng báo chí nói chung, chuyển đổi số, kỹ năng công nghệ là chủ đề chúng tôi sẽ cố gắng đưa vào nhiều hơn trong các khoá đào tạo trong thời gian tới. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan báo chí có kinh nghiệm vui lòng chia sẻ cho các cơ quan khác.
Dù có chuyển đổi số ở cấp độ nhỏ hay lớn. Chúng ta vẫn tập trung nội dung vào đối tượng chúng ta phục vụ, ở đâu có độc giả thì chúng ta phục vụ tới đó. Bên cạnh việc phục vụ độc giả là phục vụ Đảng, phục vụ Nhà nước, trách nhiệm tuyên truyền nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh thông tin phải truyền tải tri thức cho độc giả, không thể để hàng chục trang thông tin bên ngoài chi phối công chúng", ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, kết luận./.