Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2025: Khai thông và bứt phá

(CL&CS) - Hai phần ba chặng đường của năm 2024 đã đi qua với nhiều tín hiệu đáng mừng cho thấy nền kinh tế phục hồi tốt, GDP tăng trưởng, xuất siêu, lạm phát và tỷ giá được kiểm soát. Với sự phục hồi từ các thị trường phát triển và tín hiệu khả quan từ dòng vốn, Việt Nam được đánh giá đang đứng trước cơ hội tăng trưởng tích cực, tạo nền tảng cho sự khởi sắc trong dài hạn.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025: “Khai thông & Bứt phá” được tổ chức với 4 phiên thảo luận. Phiên 1: Bối cảnh vĩ mô và xu hướng dịch chuyển dòng vốn; Phiên 2: Bất động sản Việt Nam: Cơ hội đầu tư trong chu kỳ mới; Phiên 3: Quản lý tài sản: Giải pháp đầu tư thụ động phát huy hiệu quả; Phiên 4: Chiến lược đầu tư chứng khoán đón đầu bứt phát 2025-2027.

Tuy nhiên, khi đi sâu hơn vào các cấu phần của GDP, cho thể thấy rằng cầu tiêu dùng nội vẫn đang khá yếu, phần lớn tăng trưởng đến từ xuất khẩu và công nghiệp, vốn gắn chặt với FDI. Bối cảnh vĩ mô thế giới vẫn còn nhiều biến số khó lường.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025: “Khai thông & Bứt phá” do Trang TTĐTTH VietnamBiz và Việt Nam Mới tổ chức vào ngày 8/11/2024 với sự tham gia của hơn 20 diễn giả là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư, tài chính đến từ đại diện cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty chứng khoán, nhân vật có sức ảnh hưởng trong giới tài chính Việt Nam.

Với 4 phiên thảo luận chuyên đề, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 mở ra không gian để các chuyên gia đầu ngành thảo luận về bối cảnh vĩ mô, các điểm nóng kinh tế trong và ngoài nước; cơ hội đầu tư bất động sản trong chu kỳ mới; giải pháp đầu tư thụ động trong quản lý tài sản; chiến lược đầu tư chứng khoán đón đầu bứt phá giai đoạn 2025-2027.

Giới chuyên gia đánh giá triển vọng kinh tế và thị trường vẫn đối diện với nhiều rủi ro, mà lớn nhất là xung đột địa chính trị, tiếp theo là rủi ro lạm phát. Khi ông Donald Trump thắng cử, nhiều người lo ngại Việt Nam có thể chịu áp thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên, mặt tích cực là xung đột địa chính trị có khả năng sẽ sớm được giải quyết, mang đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, từ đó giảm thiểu nguy cơ lạm phát và hỗ trợ giữ lãi suất thấp.

Từ sự thay đổi môi trường vĩ mô trong và ngoài nước, dòng chảy tín dụng cũng có sự dịch chuyển rõ rệt. Trước đây, tín dụng tập trung mạnh vào lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ, hộ gia đình, xu hướng hiện tại là tập trung vào các doanh nghiệp. Sự thay đổi này không chỉ đơn thuần là chiến lược tăng trưởng tín dụng mà còn phản ánh sự thích nghi mới của các ngân hàng nhằm đáp ứng được yêu cầu khơi thông nguồn vốn và đạt được mục tiêu lợi nhuận.

Đối với bất động sản, vốn ngoại được xem là dòng vốn chủ đạo hỗ trợ tích cực cho thị trường, chủ yếu thông qua các giao dịch M&A. Giai đoạn 2018 đến tháng 9/2024, Việt Nam ghi nhận tổng lượng vốn thực hiện đầu tư bất động sản khoảng 3 tỷ USD, loại hình nhà ở và công nghiệp chiếm tỷ trọng lần lượt 44% và 31%.

Năm 2025 vẫn là năm đầu của một chu kỳ kinh tế mới, các doanh nghiệp tái cấu trúc thành công hoặc gia tăng công suất, năng lực kinh doanh. Một số nhóm ngành mà đặc biệt là nhóm bất động sản, sau đó là ngân hàng sẽ có kỳ vọng được tái định giá khi rủi ro giảm bớt và lợi nhuận tăng trưởng trong năm.

Ảnh hưởng tích cực lên phần lớn thị trường là nhóm vốn hóa lớn và trung bình, tập trung vào nhóm VN50. Riêng các cổ phiếu thuộc rổ Diamond sẽ không hưởng lợi trực tiếp nhiều từ câu chuyện nâng hạng.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 sẽ mở ra không gian để các chuyên gia đầu ngành chia sẻ các vấn đề đang được nhà đầu tư chứng khoán, bất động sản và những nhà hoạch định tại các doanh nghiệp quan tâm, để đưa ra chiến lược kinh doanh, đầu tư phù hợp cho năm 2025.