Thái Lan: Ngành du lịch lao đao vì COVID-19
Kể từ tháng 4/2020 đến nay, Thái Lan vẫn kiểm soát chặt biên giới, áp quy định cách ly với cùng với một loạt thủ tục giấy tờ đối với người nhập cảnh.
Dòng khách du lịch quốc tế, một thời từng được coi là động lực của kinh tế Thái Lan, giờ đã sụp đổ. Trong 8 tháng đầu năm nay, chỉ có khoảng 70.000 du khách nước ngoài tới Thái Lan, quá nhỏ so với lượng 40 triệu khách trong năm 2019.
Thái Lan đã kiểm soát khá thành công đại dịch COVID-19 trong phần lớn năm 2020, nhưng đến tháng 6/2021, lây nhiễm có xu hướng tăng vọt. Dư luận trong nước bắt đầu chỉ trích chính phủ chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng. Vậy nên kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế từ tháng 10 này xem ra không còn khả thi.
Đã có những tín hiệu về mở cửa, nhưng mới chỉ dừng lại ở những bước đi dè dặt. Thời gian áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm được rút ngắn một giờ, bắt đầu từ 22h00 đêm hôm trước đến 4h00 sáng hôm sau. Thư viện, bảo tàng được phép mở cửa. Người dân cũng có thể đến các SPA, nhưng phải đặt lịch trước và phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời hạn hiệu lực.
Du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine sẽ chỉ còn phải cách ly trong thời gian một tuần, thay vì hai tuần như trước đây. Một số biện pháp nới lỏng dự kiến sẽ được triển khai trong tháng 11/2021.
Dù sớm đẩy nhanh việc đặt hàng vaccine, nhưng chiến dịch tiêm chủng tại Thái Lan được triển khai khá chậm. Phía trước là cả một chặng đường dài để đạt tới mục tiêu tiêm chủng đủ liều cho ít nhất 70% dân số. Đến cuối tháng 9/2021, mới chỉ có 25% dân số Thái Lan tiêm đủ liều.
Giới chuyên gia trong ngành du lịch cũng cho rằng còn quá sớm để mở toang ngành du lịch. Theo Tassapon Bijleveld, Chủ tịch Thai Air Asia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Thái Lan: "Thời điểm tốt nhất cũng phải chờ tới ngày 1/1/2022. Tôi sẽ không lên kế hoạch thực hiện các chuyến bay quốc tế trước thời điểm đó”.
Singapore vượt mốc 100.000 ca mắc COVID-19
Ngày 2/10, Bộ Y tế Singapore thông báo tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay đã vượt mốc 100.000, lên 101.786 ca. Tuy vậy, với thêm 2.356 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc mới đã lần đầu giảm sau 4 ngày liên tục tăng cao, và có 1.938 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, bộ này ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì COVID-19, đều là công dân Singapore, từ 55 đến 80 tuổi, chưa tiêm phòng COVID-19 và có các bệnh nền. Như vậy, tổng số ca tử vong của Singapore từ đầu dịch hiện tăng lên thành 107. Tỉ lệ tử vong của Singapore hiện thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Hiện có 1.422 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó 243 trường hợp bệnh nặng phải thở oxy và 31 trường hợp nguy kịch phải điều trị tích cực (ICU). Đáng lưu ý, trong nhóm bệnh nặng có đến 233 người trên 60 tuổi dễ tổn thương. Trong 28 ngày qua, tỉ lệ ca bệnh không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tại nước này là 98,2%. Trong số các ca cần thở oxy và ca ICU, 50,6% đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 49% chưa tiêm hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi. Có thể thấy tỷ lệ người tiêm vắc vaccine đầy đủ mắc bệnh nặng chỉ chiếm chưa tới 1% tổng số ca nhiễm, và nhỉnh hơn một chút nếu tính cả số người đã tiêm 1 mũi.
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong - đồng chỉ huy lực lượng đặc trách liên bộ chống COVID của Singapore - kêu gọi người dân không hoang mang, đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ tiêm chủng tại nước này cao "nên không cần dồn mọi sự chú ý vào số ca nhiễm". Ông khẳng định giới chức Singapore "đang dồn lực cho các ca bệnh nặng và đảm bảo hệ thống y tế đủ khả năng chăm sóc họ. Các quy trình và giao thức cần phải thay đổi, cần bổ sung thêm công suất cho bệnh viện. Tất cả cần thời gian nên chúng tôi mới đưa ra các biện pháp giãn cách trong khi chờ mọi thứ sẵn sàng".