‘Điểm đen’ ngập lụt tại Huế sắp được xoá bỏ nhờ nguồn vốn 25 tỷ đồng

Chủ đầu tư đang tích cực đôn đốc đơn vị thi công tập trung nhân lực và phương tiện để đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu hoàn thành trước mùa mưa lũ vào tháng 7/2024.

Dẫn tin từ báo Dân Trí, ông Ngô Hà, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án khu vực Phú Lộc, dự án xây dựng kênh thoát nước nối từ sông Cầu Hai về cầu Hói Rui phía sau khu tái định cư xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã hoàn thành trên 80% khối lượng xây dựng.

Chủ đầu tư đang tích cực đôn đốc đơn vị thi công tập trung nhân lực và phương tiện để đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu hoàn thành trước mùa mưa lũ vào tháng 7/2024.

Công trình quan trọng nhất là cống ngăn 3 cửa kết hợp giao thông, rộng 7,5m, đang được xây dựng trên tuyến đường liên thôn dẫn vào thác Nhị Hồ (xã Lộc Trì).

Sau khi hoàn thành, đơn vị thi công sẽ tiếp tục đào và xây dựng đoạn kênh còn lại dài khoảng 100m nối ra sông Cầu Hai.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế, đoạn Quốc lộ 1A từ Km866+700 - Km867+200 qua địa bàn xã Lộc Trì được xem là "điểm đen" về ngập lụt cục bộ mỗi khi mưa lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Vị trí này đã xây dựng cống hộp 2x3m đủ để thoát nước băng đường với lượng mưa nhỏ và vừa. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy hạ lưu phía đầm Cầu Hai có mực nước cao thường xuyên, ruộng lúa và hoa màu của người dân bị bồi lấp, gây ngập lụt khi mưa lớn kèm thủy triều dâng.

Mặt khác, cống ngang đường bộ và đường sắt lệch vị trí cũng làm giảm hiệu quả thoát nước. Vào mùa mưa lũ, khu vực thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì thường có lượng mưa 150-300mm. Đặc biệt, trận mưa cực lớn ngày 2/12/2022 với lượng mưa 597mm tại trạm đo Bạch Mã đã gây ngập úng nghiêm trọng.

Do mặt đường thấp, đoạn Quốc lộ 1A này thường bị ngập úng cục bộ, gây ách tắc giao thông. Để xử lý tình trạng này, vào tháng 10/2022, dự án xây dựng kênh thoát nước nối từ sông Cầu Hai về cầu Hói Rui đã được khởi công.

Tuyến kênh dài 950m, do Ban quản lý dự án khu vực Phú Lộc làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng.

Dù chưa hoàn thành, tuyến kênh đã phát huy hiệu quả, giúp thoát lũ nhanh cho khu vực mỗi khi xảy ra mưa lớn. Sau khi hoàn thành, ban quản lý dự án sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng ngập úng và khả năng thoát lũ của khu vực.