Đề xuất tăng mức trợ cấp thất nghiệp lên 75% tiền lương

Nhiều người cho rằng đề xuất này giúp đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động khi thất nghiệp.

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vốn được xem là một trong những chính sách an sinh xã hội cốt lõi, đóng vai trò như một chiếc "phao cứu sinh" tài chính cho người lao động khi đột ngột mất việc. BHTN không chỉ giúp ổn định cuộc sống tạm thời mà còn tạo điều kiện để người thất nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm mới, sớm tái hòa nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chính sách này đã bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu và kỳ vọng của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh biến động nhanh chóng của thị trường lao động hiện nay.

Để khắc phục những tồn tại và phát huy tối đa hiệu quả của BHTN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Theo Luật Việc làm hiện tại, người lao động nghỉ việc hoặc mất việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm 6 tháng gần nhất.

Người lao động hiện đang nhận mức trợ cấp thất nghiệp 60%. Ảnh: Internet

Với đề xuất của cơ quan soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị điều chỉnh mức hưởng BHTN hàng tháng từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp.

Khi hưởng chính sách BHTN, người lao động được giới thiệu việc làm, đào tạo nghề miễn phí. Ảnh: Internet

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hiện nay đa số các doanh nghiệp đang đóng BHTN cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn khá thấp so với chi phí sinh hoạt thực tế, đặc biệt tại các đô thị lớn. Điều này dẫn đến tình trạng mức trợ cấp thất nghiệp mà người lao động nhận được cũng không đủ để đảm bảo cuộc sống tối thiểu khi mất việc. Bởi vậy, việc tăng mức trợ cấp thất nghiệp lên 75% là phù hợp để tạo điều kiện hỗ trợ người lao động trong lúc mất việc, thu nhập giảm.