Để có được một tác phẩm báo chí chất lượng, người phóng viên không chỉ viết, mà còn phải phụng sự

(CL&CS) - Mới đây, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tập huấn kỹ năng xây dựng tác phẩm báo chí chất lượng cao tham dự Giải báo chí Quốc gia và các Giải báo chí chuyên ngành dành cho các phóng viên, biên tập viên trong hệ thống.

Mục tiêu của buổi tập huấn là cung cấp kiến thức và kỹ năng để nâng tầm chất lượng các tác phẩm báo chí tham dự Giải Báo chí Quốc gia cũng như các giải thưởng chuyên ngành khác; đồng thời, khơi dậy trách nhiệm xã hội và tinh thần sáng tạo của người làm báo.

GS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc và định hướng phát triển báo chí của VUSTA, PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch VUSTA, nhấn mạnh: “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tự hào với hệ thống báo chí mạnh mẽ, trong đó có 68 tạp chí, một cơ quan báo cùng đội ngũ phóng viên hùng hậu, biên tập viên giàu kinh nghiệm trên cả nước... Vai trò của báo chí không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông tin, mà còn là kênh phản biện xã hội, tư vấn chính sách, và tuyên truyền kiến thức khoa học công nghệ đến đời sống”.

 Buổi tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho các phóng viên, biên tập viên đang công tác trong lĩnh vực báo chí

PGS.TS Phạm Ngọc Linh cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, mặc dù hệ thống báo chí của VUSTA rất đa dạng và phong phú, nhưng trong nhiều năm qua, vẫn chưa có tác phẩm nào đoạt Giải Báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành. Đây là một thách thức lớn đặt ra cho đội ngũ phóng viên về cả chất lượng nội dung lẫn sự đầu tư công phu vào mỗi tác phẩm.

Ông kỳ vọng sau buổi tập huấn, các phóng viên sẽ có thêm động lực và kỹ năng để cống hiến nhiều hơn cho nền báo chí nước nhà, đặc biệt hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025; và Đại hội Toàn quốc lần thứ 9 của VUSTA.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Cây bút phóng sự điều tra nổi tiếng được mời trực tiếp trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm cho phóng viên, biên tập viên của các Báo, Tạp chí trong hệ thống VUSTA tại buổi tập huấn. Để có được một tác phẩm báo chí chất lượng, người phóng viên không chỉ viết, mà còn phải phụng sự. Phụng sự cho độc giả, cho sự phát triển của xã hội, và hơn nữa là cho cả sự phát triển chung của nhân loại. Người viết cần phải có sự đầu tư cả trí tuệ, cảm xúc, thời gian, tạo được hiệu ứng xã hội tốt sau khi tác phẩm đăng tải.

Để có được một tác phẩm báo chí chất lượng, người phóng viên không chỉ viết, mà còn phải phụng sự

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm dự thi; kỹ năng phát hiện đề tài và kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, nhất là các bài phóng sự điều tra… 

Đồng thời, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã chỉ ra các yếu tố trong sáng tạo nội dung và phương thức kể chuyện đa phương tiện; quy trình tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện; kỹ năng viết tin bài đa nền tảng; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí; kỹ năng sản xuất video, clip hiện đại cho báo chí; kỹ năng số hóa và khai thác dữ liệu dành cho nhà báo; kỹ năng viết phóng sự hiện đại tham gia các giải báo chí.

Phát biểu bế mạc, Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức khuyến khích phóng viên, biên tập viên trong hệ thống VUSTA tham gia tích cực vào Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành. Các đơn vị cần thẩm định, lựa chọn những tác phẩm xuất sắc để tham gia giải, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu và gửi tác phẩm đúng thời hạn quy định.

Buổi tập huấn lần này không chỉ là cơ hội để nâng cao kỹ năng cho phóng viên mà còn là lời khẳng định vai trò của báo chí trong việc truyền bá tri thức và xây dựng xã hội. 

TIN LIÊN QUAN