Để bảo hiểm xã hội thực sự trở thành trụ cột bền vững của an sinh - xã hội

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều 2.11, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi toàn diện các chính sách, bảo đảm thể chế hoá đầy đủ chủ trương của Đảng về chính sách bảo hiểm xã hội, để bảo hiểm xã hội thực sự trở thành trụ cột bền vững của an sinh - xã hội, bảo đảm quyền con người theo hiến pháp 2013.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam):Tăng mức độ hài lòng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất sửa đổi các chính sách, bảo đảm thể chế hoá đầy đủ chủ trương của Đảng: "Sửa Luật lần này làm sao để bảo hiểm xã hội thực sự trở thành trụ cột bền vững của an sinh - xã hội, bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013".

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu

Liên quan đến Điều 3 về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và BHXH tự nguyện, mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tiến tới BHXH toàn dân do đó việc quy định đối tượng phải linh hoạt. Trước hết, phải quan tâm khuyến khích và có chính sách để 2 nhóm hộ kinh doanh, gồm hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh, và hộ không phải đăng ký kinh doanh, trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp. Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Lần này, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như bảo hiểm y tế hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình theo lũy tiến. Đồng thời, hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân.

Theo đó, quan điểm của tôi là, dự thảo Luật cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có thu nhập về tiền lương đều phải tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện) trên cơ sở quản trị nhân lực và thống kê đầy đủ lực lượng lao động trên thị trường. Từng bước chuyển dần thu BHXH qua thuế và công nghệ thông tin, như chương trình VSSID mà ngành BHXH đang thực hiện. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện BHXH số, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng mức độ hài lòng, tạo minh bạch, công khai và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình):Bảo đảm ổn định hệ thống bảo hiểm xã hội và quyền lợi người lao động

Tôi thống nhất với sự cần thiết phải xem xét, sửa đổi toàn diện để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và cập nhật, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về BHXH.

Liên quan đến quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc tại Điều 37, tôi đề nghị bỏ nội dung ở khoản 4 “Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng thì cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật”.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu

Theo tôi, quy định khởi kiện đối với việc trốn đóng BHXH là không phù hợp vì trốn đóng là hành vi vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật hành chính, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý hình sự đối với tội danh trốn đóng.

Mặt khác, việc chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động nếu đặt trong mối quan hệ với người lao động thì sẽ là quan hệ dân sự (vi phạm thỏa thuận giữa các bên), nếu khởi kiện dân sự thì chủ thể thực hiện phải là người lao động (khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích cho bản thân) hoặc tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động. Tuy nhiên, nếu đặt trong mối quan hệ với nhà nước thì đó là hành vi vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước và chỉ có thể xử lý hành chính hoặc cao hơn hành chính là xử lý hình sự. Do đó, khi phát hiện người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, cơ quan BHXH thực hiện thẩm quyền mang tính quyền lực nhà nước sẽ hiệu quả hơn.

Tại điểm đ khoản 1 Điều 70 và Điều 102 về rút BHXH một lần, cá nhân tôi nghiêng về lựa chọn phương án 2 vì đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận BHXH một lần của người lao động trong thời điểm cần thiết, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.

Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn về việc chưa thực sự có một đánh giá tác động việc áp dụng phương án này vì mục đích của chính sách là tốt, nhưng vấn đề đặt ra là, người lao động chưa được làm sáng tỏ việc nếu họ không quay lại làm việc để tiếp tục tham gia BHXH thì 50% thời gian bảo lưu trên hệ thống BHXH sẽ được giải quyết như thế nào? Cụ thể, họ có được nhận phần bảo lưu này không? Trong trường hợp họ quay lại tiếp tục tham gia BHXH nhưng đến khi nghỉ việc vẫn chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì như thế nào? Chưa tính tới việc doanh nghiệp có tuyển dụng họ nữa hay không vì độ tuổi của họ có thể không phù hợp với công việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nữa.

ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi):Xử lý mạnh mẽ hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Điều 29, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chỉ quy định cơ quan BHXH có nhiệm vụ: xác định và quản lý đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; đôn đốc và hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc; vận động người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Khoản 5, Điều 128 dự thảo Luật quy định: cơ quan BHXH ở Trung ương tham gia, phối hợp thực hiện quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, vấn đề quan trọng cần tăng cường hiện nay là khắc phục và xử lý mạnh mẽ hành vi chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc.

ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) phát biểu

Theo đó, cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan BHXH trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Do vậy, đề nghị bổ sung chức năng xử phạt hành chính khi phát hiện trường hợp chậm, trốn đóng BHXH cho cơ quan BHXH Việt Nam.

Hiện tại dự thảo Luật chỉ quy định cho cơ quan BHXH phát hiện, khởi kiện và kiến nghị khởi tố. Dự thảo Luật cũng không quy định vai trò, quyền của công đoàn trong việc khởi kiện người sử dụng lao động chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc. Do đó, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật, công đoàn có quyền khởi kiện người sử dụng lao động mà không cần điều kiện người lao động ủy quyền, vì công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.

Liên quan đến điều 36 và 37, dự thảo Luật quy định khá cụ thể về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc và quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng. Tuy nhiên, đề nghị, nghiên cứu, xem xét trường hợp đối với người có nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc, nhưng không thể đóng đúng thời hạn quy định do trở ngại khách quan, hoặc sự kiện bất khả kháng như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ… thì không xác định trường hợp này là trốn đóng BHXH bắt buộc.

Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đề nghị bổ sung vào Điều 37 dự thảo Luật quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Nguyễn Vũ - Hoàng Ngọc - Minh Trang ghi