Đánh thuế đối với người sở hữu nhiều bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ

(CL&CS) - Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đề xuất đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất của Bộ Xây dựng được các bộ, ngành liên quan đồng tình, bởi giải pháp này giúp hạn chế hoạt động đầu cơ, thổi giá.

Việc nghiên cứu áp thuế đối với sở hữu nhiều BĐS là cấp bách để điều tiết thị trường. Ảnh: H.ANh

Đánh thuế BĐS, giải pháp phổ biến được nhiều nước áp dụng

Đây là thông tin được ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết tại họp báo quý 3/2024 của Bộ Xây dựng.

Liên quan đến các giải pháp nhằm hạ nhiệt giá nhà ở tại một số đô thị lớn, ông Vương Duy Dũng cho biết, Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế liên quan hoạt động kinh doanh BĐS để hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại BĐS trong thời gian này.

Theo ông Dũng, qua phân tích các biến động về giá hoạt động đầu cơ, lướt sóng BĐS là một trong những nguyên nhân tác động ảnh hưởng đến giá BĐS nên cần phải kiểm soát.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đánh thuế BĐS đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà, đất là giải pháp phổ biến được nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng để hạn chế đầu cơ.

Tuy nhiên ông Vương Duy Dũng cho rằng, với đề xuất này cũng cần đánh giá toàn diện tác động của chính sách đến các đối tượng bị ảnh hưởng. Theo đó, cần phải nghiên cứu thấu đáo, toàn diện.

Trên cơ sở đó, cần phải có đánh giá tác động đầy đủ đến các đối tượng từ DN, người dân, bên bán, bên mua, bên thuê nhằm hướng tới hạn chế hành vi đầu cơ thổi giá nhưng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể của Việt Nam tránh tác động tiêu cực đến thị trường chung, ảnh hưởng đến giao dịch của người dân, DN.

Trước đó, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng cho rằng, thời gian gần đây tình trạng nhà đầu cơ mua đất rồi bỏ hoang chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả diễn ra phổ biến, mục đích là đẩy giá kiếm lời.

VARS đề xuất chính sách thuế BĐS áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.

Đơn cử, Singapore áp thuế 16% khi chủ sở hữu bán nhà trong năm đầu sau khi mua. Mức thuế giảm về 12% nếu chủ nhà bán căn hộ vào năm thứ 2 và năm thứ 3 là 8%. Họ không phải chịu thuế này khi bán nhà sau năm thứ 4.

Về phía người mua, từ tháng 4/2023, nước này nâng thuế khi mua BĐS thứ hai thêm 3%, lên mức 20%; căn thứ 3 là 30% (mức cũ 25%).

Áp dụng đối với hành vi gây tiêu cực tới thị trường

Nhận định về các giải pháp này, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam lưu ý, việc áp thuế với BĐS là cần thiết nhưng chỉ xem xét sử dụng khi có những hành vi gây ảnh hưởng thiếu tích cực đến thị trường.

Còn người mua nhà thứ 2, thứ 3 hoặc nhiều hơn nhưng sử dụng đúng mục đích, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội thì là hành vi tích cực, nên được khuyến khích, tạo điều kiện.

Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, người dân có thể mua BĐS cho con cái khi có tài chính và BĐS có giá phù hợp. Trong quá trình chưa sử dụng, họ cho thuê để ở hoặc cho thuê làm cơ sở y tế, làm nhà trẻ, siêu thị mini tại những khu vực có nhu cầu về các dịch vụ này mà chưa được đáp ứng.

Khi đó, BĐS phục vụ quỹ nhà mà người dân có nhu cầu, giúp tạo ra dịch vụ thiết yếu tại những nơi hạ tầng còn thiếu, tạo thêm việc làm cho nhiều ngành nghề, làm lợi cho xã hội, đóng thêm thuế vào ngân sách, do đó đây là những hành vi chính đáng, tích cực, cần được hỗ trợ.

Đánh giá về giải pháp đánh thuế BĐS thứ 2 trở lên để kiểm soát giá nhà được Bộ Xây dựng trình lên Văn phòng Chính phủ, chuyên gia kinh tế, TS. Hồ Quốc Tuấn cho rằng, đây là công cụ cần thiết trong bộ chính sách về điều tiết giá nhà, đất của quốc gia bởi có thể hạn chế đầu cơ.

Nếu cứ phải nộp 5-12% giá trị giao dịch như ở Anh, và người mua nhà sử dụng đòn bẩy tài chính, thì khoản tiền bỏ ra ban đầu khá lớn, người muốn lướt sóng sẽ gánh thêm khoản chi phí lớn.

Nếu tỷ suất sinh lợi không tương ứng, người ta sẽ giảm lướt sóng lại mà mua nhà, đất giữ lâu hơn.

Tuy vậy, TS. Hồ Quốc Tuấn lưu ý, giải pháp này không phải là "chiếc đũa thần". Nó chỉ mới giải quyết phần nhỏ trong bài toán giá nhà.

"Cần xây dựng hệ thống chính sách tổng thể, toàn diện, trong đó có chính sách về tài chính. Nếu chỉ riêng chính sách tài chính sẽ không đáp ứng được mục tiêu phát triển thị trường BĐS minh bạch, bền vững, do đó, cần phải đồng bộ các chính sách khác như chính sách về đất đai, quy hoạch…

Nếu không có chính sách đồng bộ thì có thể đạt được mục tiêu này nhưng lại không đạt được mục tiêu khác. Do đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu các chính sách tài chính nói chung về đất đai, BĐS, mục tiêu cuối cùng là chính sách tài chính góp phần ổn định, phát triển thị trường BĐS".

TIN LIÊN QUAN