Đà Nẵng ra mắt mô hình dịch vụ một cửa trợ giúp người bị bạo lực

(CL&CS) - Ngày 23/6, tại thành phố Đà Nẵng, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức lễ khai trương Ngôi nhà Ánh dương hỗ trợ người bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.

Lễ khai trương mô hình dịch vụ một cửa trợ giúp người bị bạo lực tại Đà Nẵng

Đây là Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên tại miền Trung và cũng là ngôi nhà thứ tư trên cả nước được thành lập trong khuôn khổ dự án "Giảm thiểu tác động của COVID-19 lên nhóm dân cư dễ bị tổn thương - Đảm bảo tiến trình quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam" do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Trung tâm cung cấp các dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nhà tạm lánh, bảo vệ từ công an, dịch vụ pháp lý, tư pháp và chuyển tuyến. Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh dương đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm, trong đó người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm được bảo vệ, đồng thời bảo đảm quyền riêng tư và bí mật.

Người bị bạo lực có thể tiếp cận 24/7 qua đường dây nóng: 024 33335599.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho hay, UNFPA đã đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong hành trình nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

UNFPA muốn đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, bao gồm cả những đối tượng dễ tổn thương nhất, có quyền được hưởng một cuộc sống không có bạo lực và được đảm bảo về phẩm giá. "Chúng ta không để phụ nữ và trẻ em gái ở lại phía sau trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030", bà Naomi Kitahara cho hay.

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) hy vọng Ngôi nhà Ánh Dương sẽ trở thành điểm đến thân thiện, tin cậy, nơi trao gửi tâm tư, nguyện vọng của những người yếu thế, để giúp họ hàn gắn lại tổn thương, để trở lại cuộc sống tươi đẹp hơn.

Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, khoảng 62,9% phụ nữ Việt Nam đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực trong cuộc đời.

Hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ các dịch vụ công, và một nửa trong số đó chưa bao giờ chia sẻ câu chuyện của mình với bất cứ ai. Bạo lực trên cơ sở giới gây thiệt hại cho Việt Nam ước tính khoảng 1,81% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018, đây là một con số khá đáng kể.

“Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba đầu ra chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc toàn cầu. Tại Việt Nam, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã đồng hành với Chính phủ Việt Nam trên hành trình chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và không bị tổn hại về nhân phẩm”, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN