Đây là kết quả của nghiên cứu về bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch, thí điểm tại 15 tỉnh, thành được Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) công bố ngày 18/1.
Đáng chú ý, năng lực cạnh tranh du lịch được đo lường qua 4 nhóm tiêu chí: Tạo dựng môi trường (25%), chính sách và điều kiện cho du lịch (25%), hạ tầng du lịch (25%), tài nguyên tự nhiên và văn hoá (25%); 12 trụ cột bao gồm 71 chỉ số được tính toán trên cơ sở dữ liệu từ cuộc khảo sát và các nguồn thông tin; thang điểm 1-7.
Hiện Đà Nẵng đang đứng đầu (4,7 điểm), tiếp theo là Quảng Ninh (4,68 điểm), Khánh Hoà (4,56 điểm), Quảng Nam (4,55 điểm), Thừa Thiên Huế (4,52). Hà Nội và TP.HCM, hai trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam lần lượt đứng thứ 6 và thứ 8 trong bảng xếp hạng này. Ba địa phương đứng cuối cùng trong số 15 địa phương được nghiên cứu thí điểm là Lào Cai, Bình Thuận và Cần Thơ.
Trong đó Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất nhờ những thế mạnh như an toàn giao thông đường bộ, dễ tiếp nhận qua đường hàng không, đội ngũ lao động ngành du lịch có năng lực, hạ tầng du lịch chất lượng tốt, tài sản văn hóa hấp dẫn... Tuy nhiên thành phố cần cải thiện về giá bán lẻ thức ăn, đồ uống hay giảm sự số, tai nạn với khách du lịch và tăng mức độ hài lòng.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch sẽ giúp các địa phương nhìn lại mình, từ đó có các giải pháp căn cơ, bài bản để thu hút khách du lịch. Cả 15 địa phương cần nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, chuẩn bị sản phẩm du lịch và liên kết với các tỉnh thành khác để đón khách hiệu quả.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua Bộ VHTTDL đã phối hợp với các địa phương, bộ, ngành, hiệp hội…. tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn để tìm giải pháp khôi phục hoạt động du lịch. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch phục hồi.
Trong lúc khó khăn này, du lịch nội địa đang là “cứu cánh” của ngành du lịch nhưng muốn phục hồi bền vững, du lịch phải đi “bằng hai chân”, mở cửa toàn bộ thị trường quốc tế thì du lịch mới sớm trở lại bình thường.
Để đẩy nhanh lộ trình mở cửa quốc tế, ngoài việc tiếp tục thí điểm đón khách quốc tế tới 7 địa phương đã được cho phép, Bộ VHTTDL sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch mở cửa toàn bộ thị trường du lịch quốc tế. Tốt nhất là vào dịp 30/4 tới.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết kết quả đánh giá lần này giúp ngành du lịch địa phương tiếp tục cải thiện chất lượng và khắc phục các mặt hạn chế. Trong thời gian tới, Đà Nẵng kỳ vọng sớm nối lại các chuyến bay thương mại, mở rộng không gian du lịch và đa dạng hóa sản phẩm để kéo thời gian lưu trú của du khách khi đến với miền Trung.
Theo đánh giá thì việc mở cửa thị trường quốc tế đón khách vào Việt Nam hiện nay hết sức thuận lợi ở các địa phương đã được tham gia giai đoạn thí điểm. Sau 2 tháng thí điểm Việt Nam đã đón gần 8.000 khách quốc tế.
Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu Bộ VHTTDL tăng cường quảng bá du lịch tới các thị trường khách quốc tế; báo cáo Bộ VHTTDL đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về lộ trình mở cửa quốc tế, lựa chọn thời điểm mở cửa toàn bộ trong quý II năm nay.