Cứ tới thời điểm cuối năm, nhu cầu vay tiêu dùng có xu hướng tăng cao khi người dân muốn sửa sang nhà cửa, mua xe cộ, hàng tiêu dùng… đón Tết. Năm nay, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế khiến thu nhập của đại đa số người dân đều bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhu cầu vay tiêu dùng lại càng cao.
Hiện tại, rất nhiều ngân hàng và các công ty tín dụng cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, lãi suất tại các đơn vị này có sự chênh lệch rất lớn.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank) đang đứng ở vị trí quán quân trong danh sách các đơn vị có lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất với chỉ 15%/năm. Thời hạn vay tối đa là 4 năm. Điều kiện áp dụng không quá khó khăn khi cả Vietcombank và LienvietPostBank chỉ yêu cầu người đi vay có mức lương tối thiểu 5 triệu đồng.
Tại Vietcombank, ngân hàng áp dụng vay thấu chi tài khoản cá nhân với hạn mức thấu chi tối đa lên tới 30 triệu đồng trong thời gian 12 tháng. Vay tín chấp cán bộ công nhân viên ngân hàng quy định hạn mức vay vốn tương đương 12 tháng lương và tối đa 200 triệu đồng Còn với vay cán bộ quản lý điều hành, Vietcombank áp dụng hạn mức vay vốn tương đương 12 tháng lương và tối đa 300 triệu đồng.
Còn tại LienvietPostBank, khách hàng có thể vay tối đa số tiền 1 tỷ đồng. Ngoài ra, LienvietPostBank còn áp dụng nhiều chương trình ưu đãi cho từng đối tượng cụ thể. Ví dụ, Lãi suất vay tín chấp tín dụng hưu trí chỉ là 9,5%/năm.
Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) có mức lãi cao hơn một chút với 15,99%/năm. Thời hạn cho vay tối đa tại HSBC cũng là 4 năm. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu của khách hàng đuộc yêu cầu là 6 triệu đồng/tháng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách các đơn vị có lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất. Mức lãi mà Sacombank dành cho khách là 16,8%/năm. Thời gian vay tối đa lên tới 5 năm. Yêu cầu thu nhập mà Sacombank đưa ra là 7 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, có khá nhiều đơn vị áp dụng mức lãi suất dưới 20%. Mức lãi 17%/năm được nhiều ngân hàng áp dụng như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Standard Chartered và công ty tài chính Prudential Finance cùng áp dụng mức lãi suất 18%/năm. Tuy nhiên, điều kiện mà Standard Chartered đưa ra lại khá cao khi yêu cầu khách hàng phải có mức lương tối thiểu 10 triệu đồng.
Ở chiều ngược lại, khá nhiều ngân hàng áp dụng chính sách lãi suất cho vay tiêu dùng trên 20% như Shinhanbank (22%), VPbank (22%), ACB (27%), HDBank (28%)…
Các số liệu lãi suất vay tiêu dùng chỉ là tham khảo. Lãi suất cho vay cao hay thấp chưa chắc là yếu tố tác động đến quyết định vay vốn của người dân vì đơn vị có lãi suất thấp có thể sẽ có nhiều yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ. Ngược lại, những đơn vị có mức lãi suất cao sẽ không yêu cầu quá cao về điều kiện hồ sơ.
Tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng trưởng mạnh nhờ vào tiêu dùng cải thiện. Theo số liệu thống kê tài chính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 3/2020 ước đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với quý 2 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng tháng 9, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,7% so với tháng 8.
Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh góp phần hạn chế tín dụng đen.