Cổ phiếu PIT tăng trần 10 phiên liên tục: Nhà đầu tư nên cẩn trọng

(CL&CS) - Cổ phiếu PIT của CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (Pitco) đã gây tiếng vang lớn tại sàn HOSE khi tăng kịch trần trong 10 phiên liên tục từ 5.300 đồng/cổ phiếu lên 10.350 đồng/cổ phiếu, tương đương 95,3%.

Pitco đang kinh doanh ngành hàng gia vị (chủ yếu là hạt tiêu) với thương hiệu Topspice.

Mặc dù cổ phiếu PIT tăng giá chóng mặt nhưng vốn hóa chỉ đạt 147 tỷ đồng cho 14.210.225 cổ phiếu đang lưu hành.

Cổ phiếu PIT chào sàn HOSE từ 24/1/2008 với giá cao nhất 27.730 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến nay, PIT chưa một lần quay về đỉnh cũ.

Nếu so với đáy gần đây 3.350 đồng/cổ phiếu được thiết lập vào 16/11/2022, cổ phiếu PIT đã tăng 209%. Tuy nhiên, so với đỉnh gần nhất 14.400 đồng/cổ phiếu được thiết lập vào 11/3/2022, PIT chỉ còn giảm 28,1% nên khả năng sinh lời trong thời gian tới không còn nhiều so với mặt bằng chung trên thị trường chứng khoán.

Vào ngày 10/8, Tổng Giám đốc Huỳnh Đức Thông, đại diện cho Pitco, đã có công văn giải trình việc cổ phiếu PIT tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 3/8-9/8. Theo ông Huỳnh Đức Thông, cổ phiếu PIT tăng giá là do cung cầu của thị trường quyết định, mua bán cổ phiếu do các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài kiểm soát của công ty.

Mặc dù tăng giá chóng mặt sau 10 phiên giao dịch nhưng tính thanh khoản của PIT ở mức thấp. Trong 10 phiên chỉ có 584.700 cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị 4,58 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu PIT khớp lệnh trong 10 phiên chiếm đến 33,5% khối lượng khớp lệnh từ đầu năm đến nay.

Tiền thân của Pitco là Công ty Xuất nhập khẩu Petrolimex được thành lập từ năm 1999 thuộc Bộ Thương mại. Công ty hoạt động theo mô hình CTCP từ ngày 1/10/2004 do Nhà nước nắm giữ 80% vốn điều lệ. Đến ngày 25/4/2006, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiếp quản phần vốn Nhà nước tại Pitco và thực hiện thoái vốn giảm tỷ lệ sở hữu từ 80% xuống còn 51% vốn điều lệ.

Đến ngày 27/4/2018, Petrolimex đã thoái sạch khỏi Pitco bằng việc thua lỗ lớn khi giá trị đầu tư 82,7 tỷ đồng nhưng giá trị thu về khoảng 48 tỷ đồng do cổ phiếu PIT rớt giá chỉ còn khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay, Pitco chỉ có một cổ đông lớn là Huỳnh Đức Thông, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc sở hữu 6,93%. Tuy vậy, cơ cấu cổ đông của công ty khá cô đặc vì đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua chỉ có 26 cổ đông tham dự nhưng sở hữu 12.087.029 cổ phần, chiếm 85,06% trên tổng số 14.210.225 cổ phần có quyền biểu quyết của công ty, bình quân mỗi cổ đông sở hữu 464.893 cổ phần, tỷ lệ 3,27%.

Pitco từng kinh doanh các sản phẩm như: xăng dầu, sắt thép, cao su, khoáng sản, hạt tiêu, gạo, các sản phẩm hóa dầu, kim khí, điện máy… Nhưng hiện nay, công ty chỉ còn kinh doanh ngành gia vị (tiêu thương hiệu Topspice), ngành sơn và chất phủ, ngành hàng xăng dầu.

Với các sản phẩm trên nên hoạt động kinh doanh của Pitco khá bấp bênh. Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận 305 tỷ đồng doanh thu thuần và 173 triệu đồng lợi nhuận trước thuế, giảm lần lượt 37,5% và 94% so cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Pitco hoàn thành 37,9% kế hoạch doanh thu và 4,8% kế hoạch lợi nhuận.

Ngoài ra, Pitco thường xuyên báo lỗ như các năm 2013, 2015, 2017, 2018, 2021. Vì thế, tại thời điểm 30/6/2023, Pitco ghi nhận khoản lỗ lũy kế 21 tỷ đồng. Do kết quả kinh doanh kém nên cổ đông của Pitco không được chia cổ tức kể từ năm 2012 đến nay.

Hiện nay, tài sản “quý giá” nhất của Pitco là bất động sản tại 54-56 Bùi Hữu Nghĩa, Q.5, TP.HCM đang làm trụ sở chính với diện tích 166,3m2 và xí nghiệp nông sản Tân Uyên tại 577/E tổ 5, ấp 3, Hội Nghĩa, Tân Uyên, Bình Dương với diện tích 20.000m2.

Hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật nhưng cổ phiếu PIT tăng quá nhanh trong thời gian cực ngắn nên dễ dàng bị điều chỉnh mạnh trong những ngày sắp tới. Vì thế, các nhà đầu tư bên ngoài cần cẩn trọng trước con sóng đầu cơ của PIT.

TIN LIÊN QUAN