Hiện nay, ngành công nghiệp công nghệ số nước ta là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh trong nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước… và cũng là lĩnh vực có thế mạnh xuất khẩu, phù hợp với năng lực, đặc thù của Việt Nam.
Do vậy, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đưa ra những quy định ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư… để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số nhằm phát huy vai trò nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp khác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư phát triển công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây…
Cùng với đó là những giải pháp để khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ số theo hướng bền vững với mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm tiêu hao năng lượng; huy động các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế và làm chủ công nghệ trong ngành công nghiệp công nghệ số; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực…
Có thể thấy, việc tạo hành lang pháp lý để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ số, nền tảng số để phục vụ chuyển đổi số quốc gia là vấn đề cần thiết và cấp bách. Nhưng làm nhanh cũng phải đi kèm với chắc chắn và phù hợp để vừa khắc phục những hạn chế, bất cập, vừa đảm bảo phù hợp thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, cùng với sự nỗ lực trong tạo dựng cơ sở pháp lý từ cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng phải “song kiếm hợp bích” chủ động trong đầu tư xây dựng chiến lược trong dài hạn để đón bắt các cơ hội từ thị trường trong nước và quốc tế. Tuỳ theo quy mô và nguồn lực, các doanh nghiệp có thể đi từng bước như áp dụng công nghệ số trong từng khâu sản xuất rồi mới tiến tới toàn bộ quy trình, hoặc tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài để chuyển giao công nghệ, học hỏi kinh nghiệm… Hơn nữa, các doanh nghiệp nên quan tâm đến chính sách hỗ trợ ngay từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến để tham gia góp ý, đề xuất phù hợp thực tiễn hoạt động và yêu cầu từ thị trường.