"Trong sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nguyên tắc “sống còn” đối với nước ta - một quốc gia thống nhất của 54 dân tộc anh em" - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại cuộc gặp mặt đại biểu Quốc hội Khóa XV là người dân tộc thiểu số, nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vừa diễn ra tối nay, 14.11 tại Nhà Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến dự cuộc gặp mặt. Ảnh: Lâm Hiển
Cùng dự cuộc gặp mặt có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn...
Phát biểu tại cuộc gặp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ vui mừng gặp mặt các đại biểu Quốc hội Khóa XV là người dân tộc thiểu số, nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11/1930 - 18/11/2022) và hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nguyên tắc “sống còn” đối với nước ta - một quốc gia thống nhất của 54 dân tộc anh em; đồng thời luôn nhất quán việc xây dựng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định đây là một trong những quan điểm chủ trương lớn cần phải được củng cố, tăng cường trong chặng đường phát triển tiếp theo của cách mạng Việt Nam để xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 18.11.1930, ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất là Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây cũng là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó đến nay, hằng năm, vào ngày 18.11, MTTQ Việt Nam các cấp đã có nhiều chương trình, nội dung và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự cuộc gặp mặt. Ảnh: Lâm Hiển
"Cuộc gặp mặt tại Nhà Quốc hội hôm nay thực sự là hoạt động có ý nghĩa, thấm đượm tình đoàn kết giữa các dân tộc, minh chứng cho sự thống nhất ý chí và hành động, ý thức trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trước cử tri cả nước trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta được cấu thành bởi mọi người dân trong tất cả các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, bộ phận xã hội khác nhau và mỗi giai tầng, bộ phận đều đóng góp một vai trò nhất định, tạo nên sức mạnh tổng hợp, được Đảng ta trân trọng và phát huy tối đa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhắc lại những con số "biết nói" của Cuộc bầu cử đặc biệt năm 2021, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội Khóa XV được bầu ra với cơ cấu đại biểu đại diện đầy đủ cho các giới trong xã hội; tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất trong 15 khóa Quốc hội, lần đầu tiên có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người (Lự và Brâu); có 5 vị chức sắc tôn giáo; 24 nhà giáo, 95 nguyên nhà giáo; tỷ lệ đại biểu có trình độ chuyên môn, học vấn cao với 12 giáo sư, 20 phó giáo sư, 144 tiến sĩ, 248 thạc sĩ...
"Vị thế, vai trò của Quốc hội cùng những kết quả đạt được trong quá trình hoạt động suốt hơn một năm qua, nhất là trong giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã được cử tri, Nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực, tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo", Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời, biểu dương và cảm ơn nỗ lực của các đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho các lãnh đạo, nhà quản lý thuộc lĩnh vực dân tộc thiểu số, nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo. Ảnh: Lâm Hiển
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, đoàn thể xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia, đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc. Phát huy vai trò, uy tín, vận động đồng bào tin tưởng, đồng thuận với Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát chương trình hành động, giữ đúng lời hứa của mình trước cử tri và Nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ và năng lực mọi mặt, thường xuyên gần gũi, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bám sát thực tiễn để chuyển tải vào chương trình nghị sự của Quốc hội, chủ động, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung Quốc hội xem xét, quyết định, để Quốc hội hoạt động ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
"Đặc biệt, trong năm 2023 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ Khóa XV, đề nghị các đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo tích cực tham gia vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như kiến nghị, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác dân tộc, tôn giáo, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ nhằm xây dựng vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng, hội nhập với sự phát triển chung của cả nước; xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; phát huy tối đa tiềm lực của nền tri thức, khoa học, công nghệ nước nhà, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước mắt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm của mình để tham gia có hiệu quả đối với các chuyên đề giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Chủ tịch Quốc hội chúc các đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, mong rằng, toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà.