Về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Tám, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ xem xét 42 nhóm nội dung, trong đó có 30 nhóm nội dung thuộc công tác lập pháp, 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề khác; 12 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 28,5 ngày, dự kiến khai mạc vào ngày 21.10, bế mạc vào ngày 30.11. Kỳ họp sẽ tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 từ 21.10 - 13.11; đợt 2 từ 20.11 - 30.11.
Về chuẩn bị tài liệu kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc cho biết, thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ nhằm chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có văn bản gửi Chính phủ, các cơ quan đôn đốc chuẩn bị tài liệu.
Bên cạnh đó, để các đại biểu Quốc hội sớm tiếp cận, nghiên cứu trước hồ sơ, tài liệu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo kịp thời gửi đến các đại biểu Quốc hội hồ sơ, tài liệu ngay từ giai đoạn thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tính đến ngày 3.10, có 120/150 đầu tài liệu đã được gửi đến đại biểu Quốc hội; Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã gửi 70/76 đầu tài liệu; các cơ quan của Quốc hội đã gửi 50/74 đầu tài liệu…
Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh, an toàn, công tác hậu cần, phòng chống dịch bệnh… phục vụ Kỳ họp thứ Tám.
Đến thời điểm này, cơ bản công tác chuẩn bị cho kỳ họp đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ kỳ họp. Cụ thể, phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng đề án tổ chức công tác thông tin báo chí, tuyên truyền về Kỳ họp thứ Tám; xây dựng đề cương tuyên truyền về các nội dung trình Quốc hội; chuẩn bị tổ chức hội nghị giao ban báo chí, trong đó có nội dung triển khai công tác thông tin truyền thông về Kỳ họp thứ Tám; triển khai tổ chức biên soạn tổng hợp thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp; công tác tiếp nhận và trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp; bố trí cho các Đoàn đại biểu Quốc hội ăn nghỉ; phân công các đầu mối phục vụ tại các điểm ăn, nghỉ của các Đoàn đại biểu Quốc hội; kiểm tra, rà soát, chạy thử hệ thống kỹ thuật bảo đảm hoạt động thông suốt, ổn định; phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hà Nội, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh cảnh vệ và các cơ quan có liên quan nhằm bảo đảm công tác an ninh, an toàn trong Kỳ họp; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác y tế, phòng chống dịch bệnh phục vụ cho kỳ họp, các hoạt động tại Nhà Quốc hội…
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về chuẩn bị Kỳ họp thứ Tám; đồng thời, cho ý kiến về một số nội dung chuẩn bị kỳ họp.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện tài liệu kỳ họp để gửi đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình.
Chủ tịch Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo công tác nhân sự; giao Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp; giao Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn.
"Công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tám thời gian qua đã có nhiều cố gắng, đi vào nề nếp, song không được chủ quan, tiếp tục theo tinh thần đổi mới, nhất là đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật". Quán triệt tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật.
Thanh Chi ( Báo Đại biểu Nhân dân)