Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng ô tô bán ra thị trường trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 38% so với cùng kỳ, đạt 100.773 chiếc; trong đó, doanh số bán xe cá nhân và xe lắp ráp giảm lần lượt 43% và 40% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do kết thúc ưu đãi giảm thuế trước bạ và nhu cầu yếu do lãi suất cho vay mua ô tô cao.
Chính sách ưu đãi là động lực chính cho sự phục hồi của ngành ô tô trong nửa cuối 2023.
Chính phủ ban hành 36/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể, thời hạn nộp thuế môn bài phát sinh của kỳ tính thuế trong các tháng 6, 7, 8, 9 chậm nhất là ngày 20/11/2023.
Ngày 28/6, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo VAMA, các chính sách này sẽ hỗ trợ khách hàng rất nhiều về chi phí mua và sử dụng xe. Một bộ phận khách hàng có kế hoạch mua xe cũng đã chờ đợi chính sách này từ lâu, bây giờ họ quyết định mua xe sẽ giúp cho thị trường phục hồi. Tuy nhiên, vì chính sách vừa mới có hiệu lực nên vẫn cần thời gian để đánh giá được tác động của nó tới thị trường. Chúng tôi rất kỳ vọng sự hỗ trợ này sẽ đẩy được doanh số bán hàng lên như thời kỳ trước trong năm 2022
Theo đại diện Công ty Ford Việt Nam chia sẻ: “Từ cuối năm 2022 đến nay, do chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới, những biến động nhanh chóng, phức tạp khó lường của tình hình quốc tế, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thương mại, tài chính, tiền tệ, chuỗi cung ứng đứt gãy.. khiến cho những bất cập bộc lộ rõ nét hơn. Là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ô tô, chúng tôi đối mặt với những khó khăn như: Khó tiếp cận vốn vay, sụt giảm thị trường; Chuỗi cung ứng bị gián đoạn; Độ trễ trong việc ban hành và đồng bộ hóa thực thi các chính sách".
Chính sách ưu đãi là động lực cho sự phục hồi của ngành ô tô
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản lượng bán hàng ra thị trường, tăng doanh thu, tăng sản lượng sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động, theo đó tăng đóng góp vào Ngân sách nhà nước. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đúng đắn và kịp có ý nghĩa rất lớn đối với Doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thách thức như hiện nay.
Theo THACO AUTO – đơn vị đang sản xuất, lắp ráp và phân phối các thương hiệu xe Kia, Mazda, Peugeot và BMW, trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay liên tục sụt giảm doanh số, chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực kích cầu mua sắm ô tô của người tiêu dùng, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số.
Như vậy việc giảm thuế trước bạ đối với ngành sản xuất ô tô trong nước là đòn bảy để hỗ trợ cho thị trường sản ô tô trong nước phục hồi.
Người tiêu dùng hưởng lợi kép
Đây là một tin vui không chỉ với người mua xe, mà còn với các đại lý, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước. Bởi, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp người mua xe giảm hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng. Giá thành giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, giúp doanh số bán hàng tăng lên.
Theo các chuyên gia với mức giảm lệ phí này, khách hàng mua các dòng xe sang có trị giá hàng tỷ đồng sẽ được hưởng lợi lớn. Trong khi đó, đa số người tiêu dùng trong nước chủ yếu mua xe ở tầm giá trên dưới 500 triệu đồng, nên mức giảm theo quy định mới chỉ được hưởng khoảng 30 triệu đồng trở xuống. Mức giảm này tương đương với mức ưu đãi của các nhà phân phối và đại lý đang áp dụng lâu nay.
Khi có thông tin chính thức được giảm thuế trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước, Anh Phan Văn Thiên (Thanh Trì, Hà Nội) đã ngay lập tức chốt cọc mua chiếc xe ô tô nhãn hiệu Huyndai Santa Fe để có thể được hưởng cả khuyến mại của đại lý lẫn chính sách giảm phí trước bạ của nhà nước. Theo anh Thiên tính toán, với chiếc xe anh định mua, đại lý đang có những ưu đãi giảm giá tới gần trăm triệu đồng, cộng thêm 50% phí trước bạ được giảm, anh đã lời tới gần 200 triệu đồng so với mua xe lúc cao điểm trước đây.
Còn Anh Nguyễn Minh Tân (quận Hà Đông, TP Hà Nội) đang khảo sát giá xe tại một showroom ô tô trên đường Phạm Hùng cho biết: “Tôi đang có ý định mua một chiếc xe Santafe 7 chỗ. Hiện nay các đại lý đang chào giá khá hấp dẫn, cùng với nhiều phần quà ưu đãi khác. Tuy nhiên, tôi vẫn cố chờ sang tháng 7 mới mua để được hưởng giảm 50% phí trước bạ. Với mức giá mà đại lý đang chào bán, dự kiến tôi sẽ giảm được thêm 70 triệu đồng phí trước bạ nữa” – anh Tân chia sẻ.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều hãng, đại lý cũng liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, ưu đãi để kích cầu. Nếu vẫn áp dụng những ưu đãi này sau khi giảm phí trước bạ, thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi kép.
Người tiêu dùng hưởng lợi kép khi mua xe từ tháng 7
Chẳng hạn như Ford Việt Nam mới đưa ra chương trình ưu đãi dành cho khách hàng mua xe trong tháng 7/2023 như: Tất cả các khách hàng mua xe đã hoàn tất thủ tục thanh toán 100% và xuất hóa đơn VAT từ ngày 08/07/2023 đến hết ngày 31/07/2023 sẽ được tặng 50% lệ phí trước bạ đối với các dòng xe thế hệ mới Everest, Territory, Ranger Wildtrak và Explorer.
Ngoài ra, đối với các khách hàng mua các dòng xe được lắp ráp trong nước như Territory và Ranger Wildtrak sẽ được hưởng mức giảm lệ phí trước bạ 50% từ chính phủ, có hiệu lực từ ngày ngày 01/07 - 31/12/2023. Theo đó, tổng ưu đãi được hưởng lên đến 100% lệ phí trước bạ.
Như vậy, đây là cơ hội tốt giúp khách hàng có thể tiết kiệm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng khi sở hữu các mẫu xe ô tô lắp ráp trong nước...