Chính sách gia hạn nộp thuế: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển phục hồi sản xuất

(CL&CS) - Dự thảo lấy ý kiến ra hạn nộp thuế được Bộ Tài chính đưa ra được nhiều doanh nghiệp đồng tình ủng hộ dù mới được hoàn thiện. Đây là một trong những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển phục hồi sản xuất.

Chiều 28/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý vào Dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt bằng và Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Hội thảo góp ý vào Dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt bằng và Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Hội thảo được diễn ra nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ.

Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng vụ chính sách thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: 2 Nghị định được hoàn thiện trên sự kế thừa, phát huy của các chính sách hỗ trợ về thuế, phí trong các năm 2020 – 2021 đã được Chính phủ ban hành trước đó. Các Nghị định này, được trình Chính phủ ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn, khi ban hành sẽ có hiệu lực ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân đã và đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, chúng ta có thể thấy được trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đã có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Dự thảo “Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt bằng nước” và “Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước” đã được hoàn thiện, ban hành là cần thiết.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), việc gia hạn nộp các loại thuế và tiên thuê đất theo dự thảo Nghị định mới được Bộ Tài chính công bố nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Đáng chú ý, một số loại thuế được gia hạn thực chất là Nhà nước cho vay không tính lãi với doanh nghiệp nhằm gia tăng nguồn lực của của doanh nghiệp trong tương lai.

Cũng theo bà Hiền, năm 2021, doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của dịch Covid-19. Do đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ bằng cách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe lắp ráp trong nước.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết: Có nhiều cách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng cách nhanh nhất là tác động từ chính sách thuế, bởi doanh nghiệp không phải làm thủ tục qua nhiều bộ máy thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế có những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhưng doanh thu, vốn không lớn và giảm mạnh trong dịch bệnh. Do đó nên điều chỉnh mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Thanh Thư - Công ty Luật Deloite Việt Nam cho biết: cũng đề nghị cơ quan thuế không nên quy định việc cộng dồn số thuế phải nộp sau khi gia hạn, vì số tiền lớn sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp. Do vậy, nên nộp linh hoạt hơn.

Đồng quan điểm này, Luật sư Trương Thanh Đức- Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: Cơ quan thuế nên khuyến khích doanh nghiệp nào nộp được thuế thì nộp như thông thường, không để cộng dồn đến cuối kỳ sẽ rất áp lực.

Theo dự thảo của Bộ Tài chính, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp kỳ đầu năm 2022, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo đề nghị của Bộ Tài chính sẽ vào khoảng 125.300 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN