Bách hóa Xanh: Cái kết thành công
Sau gần 1 năm thử nghiệm với hơn 20 cửa hàng Bách hóa Xanh tại khu vực Q.Bình Tân, TP.HCM, MWG đã thu về kết quả đáng mong đợi với doanh thu đạt 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tương đương 33 triệu đồng/cửa hàng/ngày.
Ông Nguyễn Đức Tài cho biết vào tháng 12/2015, công ty đưa chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh vào thử nghiệm với mục đích đánh giá mức độ chấp nhận của người tiêu dùng đối với mô hình siêu thị mini. Trải qua gần 1 năm thử nghiệm, MWG đã có được câu trả lời từ người tiêu dùng một cách chắc chắn đó là thích mua hàng ở những cửa hàng gần nhà như Bách hóa Xanh. Để đáp ứng sự phát triển của chuỗi Bách hóa Xanh tại TP.HCM, trong thời gian tới, công ty sẽ xây dựng một nhà kho phục vụ 80 cửa hàng. Nếu thực hiện thành công, từ năm 2018 trở đi, MWG phát triển rộng các cụm kinh doanh trên cả nước.
Khi MWG công bố việc thực hiện lấn sân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi với ông Nguyễn Đức Tài rằng liệu MWG có đang theo bước chân của G7 Mart - mô hình cửa hàng bách hóa của Trung Nguyên được triển khai vào năm 2006 đã nhanh chóng thất bại. Ông Tài cho rằng MWG chưa từng nghiên cứu sự thất bại của G7 Mart vì luôn hướng đến những mô hình hoạt động hiệu quả. Theo đó, Bách hóa Xanh sẽ đi theo mô hình mini-mart với thời gian mở cửa dự kiến từ 6-22h (khác với việc mở cửa 24/7 của các cửa hàng tiện lợi như Circle K, Family Mart…). Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, hình thức mini-mart rất phù hợp với những quốc gia có mật độ dân số đông và tốc độ đô thị hóa cao như Việt Nam và Indonesia. Do đó, MWG đang học hỏi phương thức xây dựng hệ thống các cửa hàng thực phẩm theo mô hình của AlfaMart, Alfamidi của tỷ phú Indonesia Djoko Susanto.
Ngoài ra, nguyên nhân chọn Bách hóa Xanh để đầu tư, ông Tài cho biết trước đó công ty đã chọn ra những phương án đầu tư như kinh doanh thời trang, giày dép, mỹ phẩm… Và cuối cùng sự lựa chọn vẫn là Bách hóa Xanh vì doanh thu của thị trường này rất lớn, tới 60 tỷ USD/năm. Lớn hơn gấp 10 lần so với thị trường của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh cộng lại.
Bên cạnh những thuận lợi đạt được, Bách hóa Xanh vẫn tồn tại nhiều bài toán khó chưa thể giải, như hàng tồn kho và phương pháp xử lý hàng gần hết hạn sử dụng. Ngoài ra, vấn đề mua hàng nhanh giá rẻ nhưng có yếu tố an toàn thật sự. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, đây vẫn còn là một bài toán khó cho cả Bách hóa Xanh và những đối thủ cạnh tranh. Nếu tất cả những khó khăn như trên được giải quyết thì thành công sẽ tới.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc MWG chia sẻ: "Chiến lược tăng trưởng của MWG trong tương lai có Bách hóa Xanh và Vuivui.com". Ảnh: Ánh Hoa |
Vuivui.com ra đời
Năm 2017, không chỉ Bách hóa Xanh mở rộng mạng lưới, MWG sẽ còn cho ra mắt một website thương mại điện tử. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Vuivui.com sẽ tham gia thương mại điện tử và chính thức hoạt động vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017. Ông cho biết dự án thương mại điện tử của MWG sẽ giống như Lazada hay Tiki nhưng sẽ có chút khác biệt, đó là khách hàng sẽ mua trực tiếp và không có hàng từ bên ngoài đăng ký vào đăng bán tại đây.
Trước đó, MWG công bố tham vọng dẫn đầu ngành thương mại điện tử tại Việt Nam vào năm 2020, cùng với kế hoạch trở thành nhà bán lẻ đa ngành hàng đầu. Theo báo cáo về thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam được Euromonitor International phát hành vào tháng 1/2016, MWG là công ty chiếm thị phần bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam với 10% thị phần, theo sau là Rocket Internet (Lazada và Zalora) đạt 9,3% thị phần.
Tuy nhiên, sự ra đời của Vuivui.com sẽ phải đối mặt với không ít sự cạnh tranh trên thị trường “bởi sinh sau đẻ muộn”. Vuivui.com mở ra trong bối cảnh thương mại điện tử tại Việt Nam đang trên đà phát triển, đạt doanh thu tổng hơn 4 tỷ USD năm 2015 và dự báo đạt 10 tỷ USD năm 2020. Tuy vậy, ngành này cũng chứng kiến các trang web “chết yểu” như Deca.vn, Beyeu.com, Foodpanda.com.
Tại Việt Nam, các trang thương mại điện tử hàng đầu là: Lazada, Tiki, Adayroi hay Sendo. Trong đó, Lazada là sàn thương mại điện tử có mặt trên nhiều quốc gia Đông Nam Á, Tiki được hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài và mới đây nhận 18 triệu USD từ CTCP VNG, Adayroi thuộc sở hữu của Vingroup, hay Sendo thuộc Tập đoàn FPT. Do đó, sân chơi thương mại điện tử mà Vuivui.com tham gia có sự cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt.
Ánh Hoa