Theo thống kê số đại học vào top 1.000 của ba bảng xếp hạng uy tín Webometrics, QS và THE do Ngân hàng thế giới thực hiện năm 2020, Việt Nam đứng cuối cùng, sau cả Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Theo đó, tại mỗi bảng QS và THE, Việt Nam chỉ có hai trường góp mặt trong top 1.000 và không có đại diện nào ở Webometrics. Trong khi đó Indonesia là 9, 3 và 2, còn Thái Lan là 8, 5 và 6. Ngoài ra, Trung Quốc, quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng, có đến 40 đại diện ở top 1.000 QS, 63 THE và 103 Webometrics.
Chuyên gia nghiên cứu giáo dục đại học cho rằng chương trình đào tạo của các trường vẫn đang gặp nhiều vấn đề (Hình minh họa)
Ngoài chất lượng giáo dục thấp, TS Phương cũng chỉ ra hoạt động nghiên cứu trong các đại học Việt Nam tụt hậu. Xét tỷ lệ nghiên cứu trên một triệu dân giai đoạn 2010-2017, Việt Nam tăng từ 23 lên 63, thấp hơn với mức 10-71 của Indonesia, 140-212 của Thái Lan và còn kém xa mức 4.092-4.813 của Thuỵ Sĩ, quốc gia đứng đầu danh sách. "Trong 10 năm 2008-2018, Việt Nam tăng từ vị trí 64 lên 45 về chỉ số đổi mới toàn cầu nhưng vẫn đứng chót về hầu hết chỉ số khác", ông Phương chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân, chuyên gia nghiên cứu giáo dục đại học cho rằng chương trình đào tạo của các trường vẫn đang gặp nhiều vấn đề. Phương thức dạy học truyền thống vẫn thống trị dù những năm gần đây nhiều trường nỗ lực gắn học tập với thực hành, nghiên cứu. Từ năm 2006, nhiều trường cố gắng quốc tế hóa nội dung giảng dạy bằng cách nhập khẩu chương trình từ các đại học nằm trong top 200 thế giới.
"Mang chương trình về, nhưng chúng ta chưa mang được văn hóa quản trị của họ, dẫn đến kết quả chưa được như kỳ vọng. Ngoài ra, chi phí cao và yêu cầu thông thạo tiếng Anh cũng là rào cản cho việc mở rộng", ông Phương nói.
Bên cạnh đó, TS Phương chỉ ra mức độ đầu tư của nhà nước cho giáo dục đại học còn hạn chế. Theo số liệu của Học viện Tài chính, năm 2017, Việt Nam chi 17.000 tỷ đồng cho giáo dục đại học. Con số này chiếm 0,34% tổng GPD của Việt Nam, tương đương 1,25% trong ngân sách của chính phủ và 5,6% chi tiêu cho giáo dục, đào tạo (không gồm học phí).
Quản lý các đại học đang có sự phân mảnh, chưa thống nhất. Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ trực tiếp quản lý hơn 40 trường, trong khi Việt Nam có khoảng 240 đại học và hai đại học quốc gia, chưa tính 400 trường cao đẳng và trung cấp đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý. Việc bị phân mảnh và không có hệ thống thông tin kết nối đồng bộ khiến công tác quản lý đại học khó khăn, TS Phương nhận định.