Thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm một ngày “lịch sử nữa”. Đúng giai đoạn VN-Index đang điều chỉnh mạnh sau chuỗi ngày tăng quá nhanh thì nỗi lo Covid-19 quay trở lại. Đầu tiên là 2 ca nhiễm mới xuất hiện ở Hải Dương, Quảng Ninh. Sau đó lại thêm thông tin 82 ca dương tính mới.
Covid-19 đã khiến nhà đầu tư hoảng loạn, đua nhau bán tháo cổ phiếu. Đầu phiên, VN-Index giảm khoảng 50 điểm nhưng gần tới trưa, đà giảm được nới rộng lên. Và tới chiều, mức giảm trở nên sâu hơn, tới 74 điểm. VN-Index lùi sát về mốc 1.000 điểm và xoá tan toàn bộ những gì thị trường đã làm được từ đầu năm nay.
Giữa lúc nhà đầu tư đua nhau bán tháo, xuất hiện cổ phiếu “xui xẻo” nhất. Đó là OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). 28/1 là ngày đầu tiên cổ phiếu này niêm yết trên sàn HoSE với mức giá 22.900 đồng/CP.
Phát biểu tại buổi Lễ niêm yết, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT cho biết niêm yết cổ phiếu OCB trên HoSE là sự kiện rất quan trọng đối với ngân hàng và nằm trong lộ trình phát triển đã được hoạch định của ngân hàng. Với mục tiêu huy động vốn để đảm bảo năng lực tài chính cho quá trình phát triển nhanh trong giai đoạn tăng trưởng mới.
Đầu phiên, OCB giảm xuống 20.900 đồng/CP nhưng rất nhanh chóng, OCB chạy theo xu hướng chung của thị trường. Đó là giảm… sàn, giảm 4.550 đồng/CP, tương đương 20% xuống 18.350 đồng/CP. Đà giảm đó khiến vốn hoá thị trường OCB mất gần 5.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trên bảng giao dịch tử, OCB trắng bảng bên mua.
OCB giảm không chỉ do chào sàn vào “ngày bán tháo” mà do còn bị định giá quá cao. Trong tháng 12, thời điểm không lâu trước khi OCB trở thành tân binh, OCB được giao dịch phổ biến ở mức 17.300 đồng/CP trên thị trường OTC.
OCB chưa công bố báo cáo tài chính quý 4/2020 nhưng dựa vào các số liệu quý 3 có thể thấy ngân hàng này đã vượt qua đại dịch Covid-19 thành công khi các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng tốt.
Lợi nhuận sau thuế quý 3/2020 của OCB lên tới 516 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 659 tỷ đồng của quý 3/2019 nhưng luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 1.053 tỷ đồng, tương đương 67,7% so với năm 2019.
Lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng mạnh nên OCB mạnh tay chi trả lương cao cho người lao động. Tại thời điểm cuối quý 3, toàn hệ thống OCB có 4.342 người, giảm 1.283 người so với cuối năm 2019.
Chi lương và phụ cấp tăng mạnh từ 139 tỷ đồng lên 322 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi người lao động được trả 74,2 triệu đồng/người/9 tháng, tương đương 24,7 triệu đồng/người/tháng. Như vậy so với cả năm 2019, thu nhập tại OCB đã tăng tới 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Trước đó, ông Trịnh Văn Tuấn kỳ vọng ngân hàng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều lệ từ 20% - 25%/năm.
Vào tháng 6/2020, OCB đã lựa chọn được đối tác chiến lược, đồng hành trong chặng đường phát triển sắp tới là ngân hàng Aozora – Nhật Bản, 01 trong những nhà băng hoạt động hiệu quả nhất tại Nhật Bản, đầu tư 15% vốn cổ phần tại OCB.