Cây trồng ở bờ rào được ví như "nhân sâm dành cho người nghèo", xưa không ai ăn nay thành đặc sản ở thành phố, tốt cho sức khỏe

(CL&CS) - Lá và rễ của cây đinh lăng được dùng để kết trong trong các món ăn đặc sản, vừa lạ miệng vừa tốt cho sức khỏe.

Đinh lăng từ lâu đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống người Việt, đặc biệt ở các vùng quê, nơi cây đinh lăng mọc nhiều quanh vườn, ven rào. Ngày nay, loại cây này không chỉ xuất hiện ở nông thôn mà còn được trồng làm cảnh tại các thành phố lớn, góp phần mang hương vị làng quê vào không gian sống hiện đại.

Lá đinh lăng có hình dáng mảnh mai, mọc so le, dạng kép lông chim với các mép lá chét răng cưa nhọn. Khi vò nát, lá tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng, dễ chịu. Lá non có vị chát nhẹ pha chút đắng, nhưng càng nhai kỹ càng cảm nhận được vị bùi và cay nồng đặc trưng.

 

Trong ẩm thực, lá đinh lăng được xem là thứ rau gia vị quý, góp mặt trong nhiều món ăn truyền thống khắp ba miền. Ở miền Bắc, người dân thường ăn kèm lá đinh lăng với món thịt chua Phú Thọ hay các món gỏi cá. Miền Trung có bánh tráng cuốn thịt heo, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng ăn kèm 9 loại rau rừng, trong đó có đinh lăng. Về miền Tây, lá đinh lăng thường xuất hiện bên cạnh bánh xèo giòn rụm, tạo nên hương vị khó quên.

Không chỉ là rau ăn kèm, lá đinh lăng còn được dùng làm thuốc dân gian, giúp bồi bổ cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa. Trên thị trường hiện nay, lá đinh lăng tươi có giá khá cao, dao động đến 90.000 đồng/kg. 

 

Ngoài lá, rễ đinh lăng cũng được làm thành món mứt có hương vị đặc biệt, gây sốt trong những năm gần đây trên chợ mạng. Theo tìm hiểu, trên thị trường có vài địa chỉ bán mứt rễ đinh lăng với khoảng 400.000 đồng/kg. Để làm được 1kg mứt đinh lăng phải sử dụng 7-8kg củ đinh lăng làm nguyên liệu vì chỉ sử dụng phần mềm nhất của rễ để làm. Hơn nữa, món mứt này làm rất kỳ công, hoàn toàn thủ công nên rất mất thời gian. 

Các bước làm mứt đinh lăng cũng khá giống như mứt truyền thống. Đầu tiên sẽ chọn củ đinh lăng chất lượng rồi rửa sạch, đem bào. Công đoạn khó nhất chính là bào rễ cây đinh lăng vì phải làm sao để miếng mứt vừa mỏng, đủ ăn mà không được dính tia gỗ của rễ.

 

Rễ đinh lăng phải chọn từ loại cây đinh lăng lá nhuyễn (thường gọi lá nếp), đạt độ tuổi trên 5 năm. Vị ngọt của mứt được sử dụng từ mật ong và cỏ ngọt kèm theo vị ngọt từ rễ đinh lăng đã có sẵn cho nên người tiểu đường vẫn có thể dùng được. 

Trong đinh lăng có các alcoloid, glucozit, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B, các axit amin trong đó có lyzin, xystei, và methionin là những axit amin không thể thay thế được. Tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều là thuốc quý, không thể thay thế được.

Những tác dụng của đinh lăng với sức khỏe

Tốt cho sản phụ sau sinh

Sau sinh, sức khỏe người mẹ thường suy giảm, cần được bồi bổ hợp lý. Lá đinh lăng có thể được nấu canh với thịt hoặc cá, giúp tăng khả năng hấp thu dưỡng chất, hỗ trợ phục hồi cơ thể. Lưu ý, không nên nấu canh quá kỹ để tránh làm mất chất dinh dưỡng, và nên dùng khi còn nóng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Hỗ trợ điều trị dị ứng và ngộ độc thực phẩm

Đối với người có cơ địa dị ứng hoặc xuất hiện dấu hiệu dị ứng nhẹ, có thể dùng nước lá đinh lăng hãm uống hằng ngày. Uống đều đặn sẽ giúp làm giảm các triệu chứng như ngứa, nổi mề đay hay mẩn đỏ do dị ứng thức ăn.

Chữa tắc tia sữa và ít sữa ở mẹ sau sinh

Dùng khoảng 40g lá đinh lăng tươi, rửa sạch, sắc với 300ml nước đến khi còn khoảng 200ml, uống khi còn ấm. Có thể đun lại nếu nước nguội, nhưng tránh để qua đêm hoặc uống lạnh để không giảm tác dụng.

Giải nhiệt, trị mụn nhọt và lở ngứa

Dùng 40–60g lá đinh lăng sắc nước uống có thể giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị các chứng mụn nhọt, mẩn ngứa ngoài da.

Hỗ trợ điều trị đau đầu

Kết hợp thân và lá đinh lăng với bạch chỉ, sắc uống mỗi ngày giúp giảm triệu chứng đau đầu do thay đổi thời tiết hoặc áp lực.

Giảm sưng đau do chín mé

Lá đinh lăng tươi giã nát, đắp ngoài giúp giảm sưng đau ở các vùng bị chín mé, nhiễm trùng nhẹ.

Hỗ trợ điều trị phong thấp, đau nhức xương khớp

Dùng hỗn hợp gồm lá, thân, rễ đinh lăng kết hợp với lá lốt và ké đầu ngựa (mỗi loại 30–40g), sắc uống hằng ngày để hỗ trợ giảm đau nhức do phong thấp.

Điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh

Nước sắc lá và cành đinh lăng giúp điều hòa kinh nguyệt, ổn định nội tiết, giảm đau vùng bụng dưới và hỗ trợ tăng sức đề kháng cho phụ nữ sau sinh.

Hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa

Lá đinh lăng sắc uống giúp cải thiện các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy nhẹ. Uống liên tục trong vài ngày sẽ cảm nhận rõ sự cải thiện.

Lưu ý khi sử dụng

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, người dùng không nên lạm dụng lá đinh lăng. Trong lá có chứa saponin – nếu dùng quá liều có thể gây hoa mắt, chóng mặt hoặc suy nhược cơ thể. Sử dụng đúng cách, đúng liều lượng sẽ phát huy hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

TIN LIÊN QUAN