Cần giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để hưởng lương hưu

(CL&CS)- Sáng ngày 05/10 tại Hà Nội, Liên hiệp Hội đã phối hợp với Ủy ban xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo về “Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)” nhằm đóng góp ý kiến cho dự án Luật sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 tới đây.

Với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Chính phủ và các cơ quan lập pháp đã nghiên cứu sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới. 

Ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Ông Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo

Đồng thời mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 nhằm kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ông Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có 10 nội dung lớn đã được đề cập trong Tờ trình và dự thảo Luật, trong đó có một số nội dung nhận được nhiều sự quan tâm như: bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; trình trạng rút BHXH một lần; quy định về quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; cải cách chính sách tiền lương; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH…

Trong đó, ông Dũng nhấn mạnh ý kiến: “Cần giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn được hưởng lương hưu”. 

Giải pháp khắc phục tình trạng rút BHXH một lần

Đứng trước thực trạng ồ ạt rút BHXH một lần hiện nay, Ồng Trần Hải Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này. Cụ thể, ông Nam cho rằng cần gia tăng quyền lợi, thêm sự lựa chọn cho người lao động, ví dụ như điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm từ 20 xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng Bảo hiểm y tế do Ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt của người lao động khi bị mất việc.

Ồng Trần Hải Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Ngoài ra, Phó Vụ trưởng cũng đưa ra 2 phương án quy định hưởng BHXH một lần. Phương án 1 là Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động. Trong đó, nhóm 1 bao gồm Người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2 bao gồm Người lao động bắt đầu tham gia từ ngày Luật BHXH (sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 01/07/2025) thì chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần đối với các trường hợp: (i) đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; (ii) ra nước ngoài để định cư; (iii) bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Phó tổng giám đốc, Chủ tịch công đoàn Tạp chí Kinh tế VN, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, theo đánh giá chung là vấn đề khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội, nên có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội.

“Tuy nhiên, cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ người lao động, khuyến khích người lao động tự nguyện hạn chế rút, hoặc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng quyền lợi hưu trí thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần”, bà Diệp nói.

 Cần giải pháp chặn đứng tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Góp ý về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn đại biểu QH TP Hà Nội), Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường & Phát triển cộng đồng nhấn mạnh đến việc phải có biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm (chậm đóng hoặc không đồng). Điều này, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hàng ngàn lao động.

PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII

Dẫn số liệu, bà An cho biết, số nợ bảo hiểm xã hội chiếm 17,4 % trên tổng số tham gia bảo hiểm bắt buộc. Tiền nợ bảo hiểm khó thu hồi do doanh nghiệp giải thể ngưng hoạt động chủ bỏ trốn... là trên 4.000 tỷ.

“Đây là vấn đề rất lớn, vì vậy nên đưa vào luật điều khoản để ngăn chặn, chặn đứng việc này. Nếu không thì phải yêu cầu các doanh nghiệp có quỹ phòng để nếu xảy ra sự cố có tiền đền bù và trả cho người lao động”, bà Bùi Thị An đề nghị.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày, tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động “trốn đóng bảo hiểm xã hội” từ 6 tháng trở lên; hoặc quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên...

Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Phát biểu cuối phiên Hội thảo, ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cảm ơn những đóng góp, ý kiến rất giá trị, sắc sảo của các nhà khoa học cho Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Uỷ ban xin phép tiếp thu các ý kiến trên cơ sở nghiên cứu để quá trình thẩm tra được đầy đủ, sắc nét, đáp ứng được nhu cầu hoàn thiện, xây dựng dự án Luật.

TIN LIÊN QUAN