Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác khám, chữa bệnh toàn quốc

(CL&CS) - Bộ Y tế vừa có công văn khẩn yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh công tác khám, chữa bệnh toàn quốc.

Trước thực trạng một số cơ sở y tế kê đơn không đúng quy định, lợi dụng kê đơn thuốc để trục lợi, hoặc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu các sản phẩm không phải là thuốc (sữa, thực phẩm chức năng) không đảm bảo chất lượng, thậm chí có sản phẩm bị phát hiện là giả, Bộ Y tế đã ban hành công văn khẩn yêu cầu:

Hình minh họa

Rà soát, kiểm tra việc kê đơn, sử dụng thuốc

- Đối chiếu với danh mục thuốc giả được phát hiện gần đây.

- Xử lý nghiêm hành vi kê đơn sai quy định, kê sản phẩm không phải là thuốc (sữa, TPCN...).

- Không kê thuốc chưa được cấp phép, không quảng cáo thuốc sai lệch hoặc chưa được xác nhận nội dung.

Siết chặt quản lý việc bán hàng trong cơ sở khám, chữa bệnh

- Kiểm tra việc tư vấn, bán sữa, thực phẩm chức năng cho người bệnh.

- Đảm bảo hoạt động dinh dưỡng đúng quy định.

- Ngăn chặn việc quảng cáo, tiếp thị sai sự thật hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn.

Xử lý nghiêm, không bao che các hành vi vi phạm

- Quán triệt nhân viên y tế nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp.

- Kêu gọi người dân cùng phát hiện, tố giác hành vi trục lợi trong y tế.

Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ và Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai các nội dung trên và báo cáo tình hình triển khai thực hiện, kết quả xử lý vi phạm (nếu có) về Bộ Y tế (qua Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) trước ngày 24.4.

Đồng thời, Bộ kêu gọi các cơ sở y tế và Sở Y tế địa phương nghiêm túc thực hiện, đảm bảo chất lượng điều trị và quyền lợi chính đáng của người bệnh.

Trước đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp sau để tránh mua phải thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả mạo. Cụ thể:

Đối với mặt hàng là thuốc

- Mua thuốc tại cơ sở uy tín: Chỉ mua thuốc tại nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có địa chỉ rõ ràng. Tránh mua từ nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua mạng xã hội, livestream.​

- Kiểm tra bao bì và thông tin thuốc: Đảm bảo bao bì nguyên vẹn, không rách, mờ hoặc có dấu hiệu bị chỉnh sửa. Kiểm tra các thông tin như tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên nhà sản xuất.​

- So sánh với sản phẩm chính hãng: Quan sát màu sắc, kích thước, ký hiệu trên viên thuốc, hộp thuốc. Nếu có sự khác biệt so với lần sử dụng trước hoặc so với mô tả chính hãng, không nên sử dụng.​

- Sử dụng ứng dụng quét mã vạch/mã QR: Kiểm tra thông tin sản phẩm. Nếu mã không quét được hoặc thông tin không khớp, hãy nghi ngờ.

- Yêu cầu hóa đơn khi mua thuốc: Để đảm bảo nguồn gốc và là cơ sở khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.​

- Cảnh giác với thuốc bán online: Từ ngày 1.7, chỉ mua thuốc qua mạng trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến. Không mua qua các nền tảng mạng xã hội hoặc người bán cá nhân không rõ danh tính.​

Đối với mặt hàng Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung

Bộ Y tế chỉ ra, những dấu hiệu quảng cáo vi phạm cần lưu ý như: Quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ như thuốc chữa bệnh, cam kết "khỏi bệnh hoàn toàn", "tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày", "bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên"...​; sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm; không có dòng chữ bắt buộc: "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".​

Bên cạnh đó, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm. Bao gồm:

- Tên sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng.​

- Thành phần, định lượng, hướng dẫn sử dụng và bảo quản.​

- Khuyến cáo về nguy cơ (nếu có).​

- Có cụm từ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe" và "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".​

- Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có).​

- Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất sản phẩm.​