Mới đây, trên Cổng thông tin điện tử vfa.gov.vn, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã lên tiếng cảnh báo đến người tiêu dùng về một số đường link Facebook đang có hành vi vi phạm nội dung quảng cáo đối với Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Viên uống Tauna.
Cụ thể, tại các website và Facebook gồm những đường link:
https://www.facebook.com/vienuongxuatanuxo/
https://thuoctot24h.com/tpbvsk-vien-uong-tauna-fucoidan-ho-tro-dieu-tri-ung-thu.html?gclid=Cj0KCQjwmPSSBhCNARIsAH3cYgYZH2szVU6kM0L6EJ5nifgR3tyEgMmiT-OS3grbufBlvDvbdT_6eykaAkrUEALw_wcB
https://woman.vn/vien-uong-tauna-fucoidan-co-chua-duoc-u-xo-tu-cung-khong.html
Cục ATTP khẳng định., trong thời gian qua, một số website này đăng nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống Tauna vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Được biết, sản phẩm này do Nhà máy Nội Bài – Công ty TNHH Công nghệ Herbitech (Địa chỉ: Khối 8, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) sản xuất và Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Dược phẩm Việt Nhật (Địa chỉ: Số nhà 92, Tổ dân phố số 2 Miêu Nha, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
Trước những thông tin được quảng cáo như trên về Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống Tauna, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Quảng cáo TPBVSK sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm
Vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ ban ngành khác về việc tăng cường quản lý, xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo TPBVSK.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu cần có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, twitter,… các nền tảng quảng cáo trên google ads như: Youtube, coccoc, chrome... và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo. Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đối với việc các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo và xử lý nghiêm.