Theo Nghị định 168, nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mạnh mức xử phạt từ ngày 1/1/2025 trong đó hành vi bỏ lại xe khi vi phạm cũng sẽ bị xử phạt nặng.
Chia sẻ trên VOV, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho biết: "Khi bị CSGT phát hiện lỗi vi phạm và đề nghị kiểm tra mà anh không chấp hành, bỏ xe thì ở đây bị xem là hành vi chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh hướng dẫn hay yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. Người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng với cá nhân và từ 8 triệu đến 12 triệu với tổ chức".
Bên cạnh đó, trường hợp người bị xử lý vi phạm giao thông chưa có tiền nộp phạt thì sẽ bị tính lãi trên số tiền bị xử phạt. Đồng thời bị cho rằng chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định hành chính của nhà nước. Do vậy, khi đi thực hiện một giao dịch nào đó về lĩnh vực hành chính họ sẽ bị hạn chế quyền của mình.
Đối với tình huống trên, trước đó Bộ Công an cho biết, theo quy định hiện hành, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định.
Ý thức người tham gia giao thông được nâng cao nhờ tăng mức phạt. Ảnh: Chu Dũng/HNM
Trường hợp hết thời hạn trên mà cá nhân vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng một số hình thức như: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm. Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá. Thu tiền, tài sản khác của người bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do người khác đang giữ, trong trường hợp người vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
Ngoài ra, theo Thông tư 24 năm 2023 của Bộ Công an, người vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì chưa được giải quyết đăng ký xe. Sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm, mới được đăng ký xe theo quy định.
Theo Nghị định 168, cơ quan đăng kiểm, đăng ký xe, cấp giấy phép lái xe trước khi thực hiện đăng kiểm, đăng ký xe, cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe có trách nhiệm tra cứu dữ liệu phương tiện vi phạm, người vi phạm được cơ quan CSGT gửi thông báo đến. Trong trường hợp khi tra cứu dữ liệu có thông tin về phương tiện vi phạm, người vi phạm thì chưa giải quyết việc đăng kiểm, đăng ký phương tiện vi phạm, chưa cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm. Điều này đồng nghĩa với việc, người vi phạm không đến nộp phạt sẽ không có giấy phép lái xe, không có quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Tại buổi giao lưu trực tuyến "Những điều cần biết về tăng mạnh mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168" do Tuổi trẻ Online tổ chức, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cá nhân vi phạm phải nộp phạt một lần. Với cá nhân, tổ chức gặp khó khăn về kinh tế, thiên tai, dịch bệnh được nộp phạt nhiều lần nhưng tối đa không quá 3 lần.
Đối với việc không chấp hành quyết định xử phạt, trong quy định Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chủ phương tiện không được làm thủ tục đăng ký xe, người vi phạm sẽ không được đổi/cấp lại giấy phép lái xe.
Hiện nay, lực lượng CSGT thực hiện số hóa và có dữ liệu giấy phép lái xe, nếu người đó đã/chưa đưa lên hệ thống thì lực lượng CSGT vẫn sẽ quản lý, biết được giấy phép lái xe đang bị tước/tạm giữ hay không, đó là căn cứ để xử lý.
Trong thời hạn quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần nêu cao ý thức chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông; đồng thời khi bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, cần thực hiện nghiêm theo quy định, tránh tình trạng không hợp tác với cơ quan chức năng để rồi “lỗi chồng lỗi”, mức phạt lại càng tăng cao.