Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT thủ đô (1954 - 2024), 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ
Điểm lại chặng đường xây dựng và phát triển của ngành GD&ĐT Hà Nội 70 năm qua, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ, những ngày đầu thành lập, toàn ngành có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. Đến nay, ngành GD&ĐT Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên, trong đó có 342 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm gần 80% trường công lập của thành phố..., mạng lưới trường, lớp ngày càng được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, từng bước được chuẩn hóa, hiện đại.
Học sinh thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Nếu như năm 2008, năm đầu tiên sau hợp nhất, học sinh Hà Nội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mới đoạt 88 giải thì đến năm 2024, học sinh thành phố đoạt 184 giải (tăng gần 2,1 lần). Từ năm 2008 đến 2024, học sinh Hà Nội đoạt gần 2.200 giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế…Với các thành tích đạt được, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được trao Huân chương Lao động hạng Nhất.
Ông Cương cho hay thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đổi mới, nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp, khuyến khích các trường liên kết và hợp tác quốc tế, nhân rộng mô hình trường chất lượng cao...
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, quy mô giáo dục của thủ đô lớn nhất cả nước với gần 2,3 triệu học sinh, 130.000 giáo viên, gần 3.000 trường học. Về chất lượng, từ năm 2008 (sau khi sáp nhập với Hà Tây) đến nay, học sinh Hà Nội đạt gần 2.200 giải quốc gia, 200 huy chương quốc tế, cũng dẫn đầu toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
"Giáo dục thủ đô đứng trước đòi hỏi, yêu cầu cao, ở tính mẫu mực, tiên phong, ở chất lượng hàng đầu", Bộ trưởng nói. "Hà Nội cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, là nền giáo dục thanh lịch". Theo ông Sơn, trường học thanh lịch là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường, không nói tục chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Ở đó, tệ nạn bị tránh xa và quan trọng nhất là con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.
Muốn thế, Hà Nội cần triển khai tốt văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa. Theo ông Sơn, sự thanh lịch trong giáo dục hoàn toàn có thể xây dựng trên nền thành quả tốt đẹp hiện nay. Ngoài ra, thủ đô cần tập trung giảm chênh lệch về chất lượng giữa các khu vực, giữa các trường; giảm khoảng cách giữa giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà để học sinh ở đâu cũng được tiếp cận môi trường và chất lượng giáo dục tốt nhất.
Ông Sơn cũng gợi ý ngành giáo dục giải quyết tốt hơn các mối quan hệ nhà trường và xã hội, nhà trường và địa phương, thầy cô và phụ huynh, ... để tạo lập một môi trường giáo dục có lề lối ngay ngắn. Ở đó, chất lượng giáo dục được đảm bảo, sự tôn nghiêm của nghề giáo được xem trọng.