Chiều 30/5, Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Bộ NN&PTNT bày tỏ khi giải trình làm rõ một số nội dung tại phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Phát biểu trước nghị trường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đưa 2 ý kiến, đầu tiên liên quan đến Luật Quy hoạch và thứ hai liên quan tới quy hoạch sản phẩm trong ngành nông nghiệp.
Vấn đề quy hoạch
Về Luật Quy hoạch, dẫn định nghĩa tiếng anh của từ "VUCA" nghĩa là bất động, biến động, phức tạp và mơ hồ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để khuôn lại một quy hoạch để định hình 5 năm, 10 năm, thậm chí vài chục năm thì không đơn giản chút nào.
Theo ông, đứng trước sự thay đổi rất nhanh chóng về mặt khoa học, công nghệ, về mặt thị trường thì chúng ta không thể có một quy hoạch phủ được hết toàn bộ mà chúng ta nên chia làm 2 mức độ sẽ thể hiện trong cấp độ quy hoạch của chúng ta.
Bộ trưởng cho hay, chúng ta đang tiếp cận tới một nền kinh tế thị trường, với 3 câu hỏi của nguyên lý kinh tế 500 năm trước đây: Sản xuất cái gì? Sản xuất cho ai? Sản xuất như thế nào?. Vẫn là quyết định trong điều hành quản trị của một nền kinh tế quốc gia.
Do vậy, để ấn định những điều bất biến trong sự vận động vạn biến thì quy hoạch cần “tĩnh tâm lại chút xíu” để ngồi lại, minh định lại tất cả những thuật ngữ, khái niệm, nội hàm, từ quy hoạch tích hợp, các vấn đề từ quy hoạch trên để điều chỉnh quy hoạch dưới, hay quy hoạch từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Người ta nói thời đại chúng ta đang sống được quy định bởi 4 chữ: Bất động, biến động, phức tạp và mơ hồ. Và sự thay đổi trên thế giới này nhanh đến mức độ cái mới ra đời chưa kịp định hình đã có cái mới hơn xuất hiện". Đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ, thị trường, không thể có quy hoạch phủ hết toàn bộ, mà cần có hai phần: phần cứng do nhà nước can thiệp, và phần còn lại là dung lượng do thị trường điều chỉnh, qua đó có không gian linh hoạt thích ứng với sự thay đổi.
Vấn đề quy hoạch sản phẩm
Về vấn đề quy hoạch sản phẩm, Bộ trưởng cho rằng bỏ quy hoạch sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp là một bước tiến rất lớn, bởi vì nông nghiệp là một ngành mở.
Một nông sản chúng ta vừa là người bán, vừa là người mua, một thị trường chúng ta muốn quy hoạch nông sản để bán thì cùng lúc rất nhiều quốc gia cùng có loại nông sản đó người ta cũng bán đến thị trường này.
Theo Bộ trưởng, chúng ta không tưởng tượng được khi có Covid-19 thị trường bị đứt gãy như thế nào, rồi cuộc xung đột các nước trên thế giới sẽ diễn biến ra sao. Tất cả mọi việc đó không bao giờ cố định để chúng ta cố định trong một quy hoạch ngành sản phẩm một cách quá cứng nhắc.
Trả lời câu hỏi liệu có công cụ gì thay thế để chúng ta giảm thiểu rủi ro trong ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phải đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường.
Kinh nghiệm đúc kết
Đề cập về kinh nghiệm thế giới trong giải quyết đòi hỏi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã nghiên cứu rất nhiều và nhận thấy, các nước đã có hàng trăm năm thực hiện theo tư duy thị trường, tư duy kinh tế, biết thế nào là cung, thế nào là cầu.
Tự người nông dân đã có thể tự quyết định được câu chuyện này. Bên cạnh đó, nông dân ở các quốc gia này cũng có một hệ sinh thái, trước tiên là các hiệp hội ngành hàng, các hợp tác xã - là những cơ quan, tổ chức, thiết chế tư vấn cho họ để quyết định nên trồng cây gì, nuôi con gì, trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu.
Còn nếu áp đặt, đưa ra những quy hoạch cứng nhắc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ra 2 vấn đề, đầu tiên là có bảo hộ được tất cả những sản phẩm trong vùng quy hoạch đó hay không và hai là, những sản phẩm nằm ngoài vùng quy hoạch chúng ta xem có hợp pháp không, có đưa ra thị trường được không.
Bên cạnh đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua thông tin thị trường, hỗ trợ thông qua khoa học, công nghệ, hỗ trợ thông qua vốn, hỗ trợ thông qua tư vấn và huấn luyện tri thức hóa người nông dân, tập thể ngành hàng đó sẽ tự vận động", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.