Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước

(CL&CS) - Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định mức thu LPTB đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Chỉ là giải pháp ngắn hạn

Theo dự thảo, mức LPTB được đề nghị giảm là 50% cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng. Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có những tác động tích cực như kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; đồng thời, hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cũng như nối lại chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất; thúc đẩy DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng nhận định, việc tái áp dụng chính sách ưu đãi về LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian ngắn hạn (như đã áp dụng theo quy định tại Nghị định 70/2020/NĐ-C) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh dịch COVID-19 có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO, và Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.

Tuy nhiên, biện pháp giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ kéo dài trong vòng 6 tháng. Đây được xem là biện pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các hãng sản xuất, lắp ráp ô tô lớn của nhiều quốc gia trên thế giới hầu hết đều đã có các nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, thậm chí các nhà máy lắp ráp này có công suất khá lớn (Toyota, Mazda, Hyundai, Kia...). Đồng thời, các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích cho hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam cũng sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới. Do đó, biện pháp giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không chỉ mang lại tác động tích cực cho DN sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa, mà còn có lợi cho các DN nước ngoài đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Mặt khác, do được hưởng lợi từ chính sách, một vài DN nước ngoài trong thời gian qua đã và đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động lắp ráp, mở rộng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam để cung ứng cho thị trường.

Tăng thu ngân sách từ kích cầu tiêu dùng

Bộ Tài chính tính toán, việc thực hiện chính sách sẽ làm giảm thu LPTB theo chính sách, nhưng do số lượng xe tăng lên, nên tổng số thu về LPTB, thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt vẫn tăng lên.

Biện pháp giảm lệ phí này chỉ áp dụng trong vòng 6 tháng, là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động của đại dịch COVID-19.

Dẫn chứng từ việc thực hiện Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, Bộ Tài chính cho biết, tổng số thu LPTB lần đầu đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước 6 tháng cuối năm 2020 là 7.314 tỷ đồng. Do thực hiện giảm 50% LPTB nên số thu 6 tháng cuối năm được đánh giá là giảm tương ứng 7.314 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số thu LPTB 6 tháng cuối năm 2020 của các địa phương trên cả nước vẫn tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2020, do sản lượng xe ô tô bán ra trong 6 tháng cuối năm tăng gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm.

Việc giảm LPTB năm 2020 đã dẫn đến sản lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên, từ đó làm tăng số thu về thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo thống kê, tổng thu thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước 6 tháng đầu năm 2020 đạt 12.671 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm đạt 25.167 tỷ đồng, tăng khoảng 12.500 tỷ đồng.

Số thu thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước).

Tác động đến tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước làm cho tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 50.852 tỷ đồng; trong đó, tổng thu 6 tháng đầu năm 2020 là 18.371 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm là 32.481 tỷ đồng, tăng hơn 14 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,76 lần so với 6 tháng đầu năm.

 Dự kiến, thời gian thực hiện chính sách và hiệu lực thi hành của Nghị định từ ngày 15/11/2021 đến hết 15/5/2022. Tuy nhiên, trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định từ 1/12/2021 đến hết 31/5/2022. Do đó, tại dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Bộ Tài chính đang để trống ngày có hiệu lực.

TIN LIÊN QUAN