Hiện, cả nước hiện có 149 trung tâm sát hạch lái xe, 343 trung tâm đào tạo lái ô tô, 463 cơ sở đào tạo lái môtô.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các Sở GTVT.
Mục tiêu của việc thanh, kiểm tra nhằm phát hiện bất cập trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (nếu có) từ đó sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và phòng ngừa tiêu cực.
Bộ GTVT đồng loạt thanh, kiểm tra đào tạo lái xe trên cả nước
Việc thanh, kiểm tra cũng nhằm đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Đồng thời, phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm (nếu có) và hướng dẫn các đơn vị được thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe thuộc quyền quản lý. Việc thanh, kiểm tra phải xong trước ngày 15/4/2023.
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi UBND, sở GTVT các tỉnh, thành phố và Cục Đường bộ Việt Nam về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy GPLX.
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, UBND cấp huyện trên địa bàn địa phương triển khai các biện pháp cụ thể nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX.
Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX.