Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận đã và đang triển khai đồng thời hai phần mềm quản lý giáo dục đó là phần mềm cơ sở dữ liệu ngành của Bộ và phần mềm quản lý giáo dục VnEdu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT đến tất cả các đơn vị giáo dục từ bậc mầm non đến cấp phổ thông, GDTX trên địa bàn tỉnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giáo dục
Qua đó thống kê, tổng hợp số liệu ngành giáo dục để lưu trữ cũng như kịp thời báo cáo số liệu của ngành giáo dục và đào tạo khi có yêu cầu. Đồng thời, triển khai ứng dụng Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đến 28 trường THPT trực thuộc Sở và 10 phòng giáo dục và đào tạo của các huyện, thị xã, thành phố. Hiện 100% các trường quản lý học sinh trên hồ sơ điện tử. Hồ sơ giáo viên bao gồm kế hoạch dạy học, sổ theo dõi đánh giá học sinh, kế hoạch giáo dục… đều đã được quản lý trên môi trường mạng.
Trong thời gian qua, 100% cơ sở giáo dục đã tập trung chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá là số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến… Bên cạnh đó, chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Đặc biệt, năm học 2023 - 2024, 100% các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã sử dụng học bạ điện tử... Từ việc ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế và gặp khó khăn, chưa tự xây dựng được cơ sở dữ liệu riêng cho ngành giáo dục của tỉnh, mà đang dùng chung cơ sở dữ liệu ngành chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp và hệ thống của Tập đoàn VNPT. Bên cạnh đó, việc khắc phục hạ tầng viễn thông cho các cơ sở giáo dục còn chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, dẫn đến việc chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục này còn khó khăn.
Theo Thầy Phạm Quốc Dũng - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết: "Ngoài ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nhà trường còn chuyển đổi số trong công tác quản lý, thanh toán các khoản thu không dùng bằng tiền mặt... Những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số của nhà trường đã tác động không nhỏ đến nhận thức của giáo viên và học sinh. Các thầy cô chủ động trong giảng dạy, quản lý học sinh, tương tác với phụ huynh, các em học sinh được tiếp cận thông tin đa chiều, được khơi dậy khả năng khám phá, tìm tòi mở mang kiến thức trong học tập”.
Thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục chú trọng vào triển khai quản lý hệ thống, chia sẻ dữ liệu để đồng bộ trong giáo dục, chuyển đổi tất cả tài liệu từ giấy tờ qua văn bản điện tử. Cùng với đó, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng, các thiết bị phục vụ quá trình dạy và học, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người, mọi nơi điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.