Theo đó, lúc mới sinh ra, gia đình đã phát hiện P. bị bệnh tim bẩm sinh. Em càng ngày càng tím, mệt, thể trạng gầy gò, suy sinh dưỡng.
Qua nhiều năm, bệnh nhi được đưa đi điều trị ở rất ở nhiều bệnh viện và trung tâm tim mạch tại TP.HCM, với chẩn đoán vẫn là thân chung động mạch, có thông liên thất kèm theo, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, sau đó bệnh nhi vẫn chỉ được điều trị bằng nội khoa thay vì tiến hành phẫu thuật.
Mang trong mình một căn bệnh hiếm, P. được gia đình đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy khi đã 13 tuổi, thời điểm bệnh đã quá nặng.
Sau khi tiến hành các xét nghiệm, nhóm bác sĩ khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim trẻ em bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán P. bị bệnh thân chung động mạch type 1, đồng thời có lỗ thông liên thất rộng kèm theo. Bé bị suy dinh dưỡng và tím. Các bác sĩ xác định đây là trường hợp bệnh nặng và cần phải phẫu thuật mới mong cứu sống được bệnh nhi.
Sau khi tổng hợp các dữ liệu về siêu âm, CT, thông tim…, ê-kip bác sĩ khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên kế hoạch để phẫu thuật cho bệnh nhi P.
TS.BS Lê Thành Khánh Vân - Trưởng khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Thân chung động mạch là dạng bệnh tim bẩm sinh rất hiếm gặp, rất phức tạp và cũng rất nặng. Theo thống kê, cứ 100 bé chào đời, có một bé bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Và trong 100 bé bị bệnh tim bẩm sinh, chỉ có 1 bé bị thân chung động mạch. Đối với người bình thường, động mạch chủ và động mạch phổi xuất phát từ hai thất khác nhau. Nhưng với dạng bệnh lý thân chung này, động mạch chủ và động mạch phổi gộp lại làm một, kèm theo đó là một lỗ thông liên thất rất rộng bên trong”.
Theo bác sĩ Khánh Vân, khi mắc dạng bệnh này, bệnh nhi cần được điều trị suy tim, điều trị tím từ sớm và đặc biệt là cần được can thiệp bằng phẫu thuật. Nếu không được phẫu thuật trong năm đầu tiên, tỉ lệ tử vong của các bệnh nhi mắc bệnh này sẽ lên tới 90%.
Với trường hợp này, bệnh nhi T.H.P, đến bệnh viện Chợ Rẫy khi đã 13 tuổi, vì vậy, đây là một ca phẫu thuật khó, đòi hỏi những sự tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị công phu, áp dụng nhiều kỹ thuật cao và phức tạp.
Theo đó, sau khi tách rời động mạch chủ và động mạch phổi, ê-kip đã tái tạo lại gốc động mạch chủ, vá lỗ thông trong tim để sửa chữa và đảm bảo rằng động mạch chủ phải xuất phát từ thất trái, đưa dòng máu đi nuôi cơ thể. Kế đến, các bác sĩ tiến hành tái tạo hoàn toàn động mạch phổi bằng những ống ghép và van sinh học, tạo một đường mới nối từ thất phải đến động mạch phổi… Ca phẫu thuật đã kéo dài trong 9 giờ đồng hồ.
Sau phẫu thuật, các bác sĩ tiên lượng phổi của bệnh nhi cần có thời gian để hồi phục và thích nghi, vì vậy, bệnh nhi đã được sử dụng ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) trong 48 giờ.
Sau khi cai ECMO, cai máy thở và trải qua 10 ngày hậu phẫu, hiện tại bệnh nhi đã ổn định về mọi mặt và dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Khánh Vân, bệnh nhi P. gần như đã trở về một cuộc sống bình thường với sinh lý tim mạch bình thường giống như mọi người.
Được biết, toàn bộ các chi phí phẫu thuật cho bệnh nhi đều được ê-kip điều trị phối hợp với Phòng Công tác xã hội bệnh viện Chợ Rẫy vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho gia đình.
“Nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, các dạng bệnh tim bẩm sinh có thể được phát hiện từ khi trẻ còn ở trong bào thai. Khi phát hiện con mình mắc bệnh tim bẩm sinh, mọi người cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để các bác sĩ có cơ hội được sửa chữa, phục hồi. Bởi khi đến bệnh viện càng sớm, tỉ lệ thành công trong phẫu thuật sẽ càng cao.”, TS.BS Lê Thành Khánh Vân khuyến cáo.