Dự án xử lý cấp bách các công trình đê điều bị sự cố do ảnh hưởng của mưa lũ năm 2017 tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là dự án đê tả Sông Cầu) có tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư lấy từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (Vốn dự phòng ngân sách Trung ương 120 tỷ; vốn đối ứng ngân sách tỉnh 25 tỷ đồng). Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang (BQL DA ĐTXD các công trình NN&PTNT Bắc Giang) làm chủ đầu tư. Thực hiện dự án là liên danh 2 nhà thầu Công ty TNHH Mạnh Linh - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đức An (Ninh Bình).
Dự án đê tả Sông Cầu với mức đầu tư 145 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều vết nứt nẻ, sau đó được chắp vá sửa lại nhưng vẫn chưa khắc phục được |
Dự án được khởi công từ cuối tháng 7/2019, hoàn thành vào cuối tháng 12/2019, bao gồm các hạng mục chính là hoàn thiện mặt cắt, cứng hóa mặt đê và xử lý các sự cố trên đê tả Cầu, đoạn qua địa phận huyện Việt Yên và Hiệp Hòa (Bắc Giang) với chiều dài 27,6 km. Tuy nhiên, vừa hoàn thành chưa được bao lâu, trên mặt đê đã xuất hiện một số vết nứt ở giữa đường, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng bong, tróc mặt đường diễn ra ở nhiều khu vực.
Mặt đường nứt nẻ ngổn ngang |
Theo dự án được phê duyệt, đê được đổ bê tông dày 20 cm, bảo đảm phòng, chống lũ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý các tình huống xấu khi thiên tai xảy ra; đồng thời giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Theo tiêu chuẩn quy định, mặt đê thiết kế chỉ bảo đảm cho phương tiện vận chuyển có tổng tải trọng dưới 12 tấn được lưu thông. Tuy nhiên, thời gian qua, một số đoạn đã bị vỡ, bong tróc, nhất là đoạn K0+400-K1+800; K36+600-K40+500.
Vết nứt nẻ dù được sửa chữa lại nhưng chỉ cần chạm nhẹ cũng tiếp tục bong tróc |
Bà Đàm thị Tuyên (xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) bày tỏ sự bức xúc khi chứng kiến tuyến đê vừa bàn giao đã xuống cấp trầm trọng |
Khi PV trực tiếp tiếp xúc với nhiều người dân ở quanh khu vực đê tả sông Cầu thì họ đều thông tin: “Tuyến đê vừa làm xong đã hỏng, nhìn các vết nứt nẻ trên mặt đê chúng tôi rất thất vọng và nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông khi đường nứt nẻ lớn, mong muốn cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét năng lực nhà thầu được chỉ định.
Vật liệu đá sỏi và thép gắn dầm bê tông cũng bị bong tróc |
"Dự án này không biết có được thực hiện đúng thiết kế hay không nhưng nhìn thực tế thì người dân hoài nghi về chất lượng quá kém, có dấu hiệu rút ruột công trình. Người dân chúng tôi mong cơ quan ban ngành vào kiểm tra, xem trách nhiệm của các đơn vị liên quan”, người dân lo lắng.
Nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến đê kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân |
Trước tình trạng nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng bong, tróc mặt đường diễn ra ở nhiều khu vực trên tuyến đê, nghi vấn chất lượng công trình kém. PV Chất lượng và Cuộc sống đã liên hệ với ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang để có thông tin khách quan.
Trụ sở BQL DA ĐTXD các công trình NN&PTNT Bắc Giang |
Ông Thái cho biết, về nội dung sự việc này, các đơn vị liên quan cũng đang tiến hành kiểm tra và đề nghị PV trực tiếp liên hệ với ông Mạnh Quân Phúc - Giám đốc BQL DA ĐTXD các công trình NN&PTNT Bắc Giang. Tuy nhiên, đã gần một tháng trôi qua, kể từ ngày PV đến đặt lịch làm việc tại trụ sở BQL DA ĐTXD các công trình NN&PTNT Bắc Giang để mong có thêm thông tin đa chiều nhưng đến nay vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ đơn vị này.
Thực trạng với điểm mặt đường không bằng phẳng, đoạn thấp đoạn cao khiến tuyến đê trở nên nhem nhuốc, chắp vá và tiềm ẩn không ít nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Phải chăng, đơn vị liên quan đang cố tình né tránh trách nhiệm? Người dân sinh sống gần tuyến đê lại càng bức xúc khi dự án vừa được bàn giao đưa vào sử dụng đã hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của các hộ dân. Và nguyên nhân chính khiến tuyến công trình xuống cấp được xác định cụ thể như thế nào? Tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trong việc này?
Tòa soạn Chất lượng và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở bài viết tiếp theo.
Hồng Liên – Đắc Ninh