Theo đó, đối với việc thu hồi nợ tại nhóm 6 công ty liên quan đến Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2017 thay vì 2018 như lộ trình trước đó, bằng cách trích lập dự phòng bổ sung thêm 800 tỷ đồng.
Cụ thể, vào ngày 7/12/2016, ACB đã gửi công văn đến NHNN về việc trích lập bổ sung để rút ngắn lộ trình thu hồi nhóm nợ này và kết thúc vào năm 2017 và đã được NHNN phê duyệt.
Do đó, ACB đã trích lập thêm 800 tỷ đồng trong năm 2016 so với lộ trình thu hồi nợ nêu trên và lộ trình thu hồi nợ sẽ được điều chỉnh lại với số tiền thu hồi trong năm 2016 và 2017 lần lượt là 3.000 tỷ đồng và 2.016 tỷ đồng.
Đối với việc thu hồi nợ tại nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2017 thay vì 2018 như lộ trình trước đó. |
Trước đó, vào tháng 8/2013, NHNN đã thông báo về cuộc thanh tra toàn diện hoạt động của ACB trong năm 2012. Dựa trên kết quả của thanh tra, ACB đã lập kế hoặc trích lập dự phòng và thoái thu lãi của nhóm 6 công ty và gửi NHNN theo yêu cầu của đề án “Cơ cấu lại hệ thống tín dụng giai đoạn 2011-2015”.
Vào ngày 25/12/2015, ACB đã gửi Công văn đến NHNN đề nghị xem xét, chấp thuận cho việc phân loại nợ, điều chỉnh kế hoạch thu hồi nợ và trích lập dự phòng nhóm 6 công ty.
Theo lộ trình thu hồi nợ đã được phê duyệt, các số dư của nhóm 6 công ty sẽ được thu hồi hàng năm với số tiền lần lượt 814 tỷ đồng, 2.200 tỷ đồng, 1.816 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2015 và kết thúc vào năm 2018.
Và theo công văn trên, ACB tiếp tục phân loại nợ của nhóm 6 công ty này nhóm nợ cần chú ý và trích lập thêm hàng năm cho toàn bộ dư nợ không thu hồi được.
Hiện, số dư nợ cho vay trên 1.427 tỷ đồng của bốn công ty nhóm 6 công ty tại ngày 31/12/2016 được ACB phân loại vào Nhóm 2 - Nợ cần chú ý và được trích lập dự phòng với tỷ lệ 5% trên số dư nợ cho vay. Đồng thời, lập thêm hơn 146 tỷ đồng dự phòng cho vay khách hàng cho số dư nợ không thu hồi được theo lộ trình phải thu hồi trong năm 2016.
Về số dư trái phiếu trên 1.836 tỷ đồng của 3 công ty nhóm 6 công ty cũng được ACB phân loại vào nhóm 2. Và đã trích lập thêm 1.000 tỷ đồng dự phòng trái phiếu cho số sư nợ không thu hồi theo lộ trình phải thu năm 2016.
Đối với số dư các khoản phải thu 648 tỷ đồng của ba công ty trong nhóm 6 công ty tại ngày 31/12/2016, ACB đã trích lập dự phòng với tỷ lệ 30% trên số dư các khoản phải thu tại ngày 31/12/2014 theo Công văn 8879.
Ngoài các khoản trên, ACB cũng cho biết việc thu hồi các khoản tiền gửi tại 2 ngân hàng 0 đồng là VNCB và GPBank đang ghi nhận triển vọng khả quan.
Với tổng số tiền gửi 722 tỷ đồng tại GBank vào ngày 7/4/2016, ngân hàng đã nhận chuyển nhượng các trái phiếu với mệnh giá 500 tỷ đồng do một công ty trong nước phát hành để cấn trừ 520 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank.
Và ACB cùng một công ty con đã nhận chuyển nhượng 2 bất động sản với giá trị là 68,8 tỷ đồng và 62 tỷ đồng do GPBank nắm giữ để cấn trừ tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank.
Về khoản tiền gửi trị giá 400 tỷ đồng tại VNCB đã quá hạn lãi hiện đã được phân loại vào Nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn, theo phê duyệt từ NHNN, mỗi năm VNCB sẽ trả 1/5 cho ACB với mức lãi 2%/năm, dự kiến đến ngày 30/9/2020 sẽ hoàn tất. Tính đến hết ngày 31/12/2016, ACB đã tiến hành trích lập dự phòng 165,63 tỷ đồng.
Ánh Hoa